day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Phù Ninh: Hoàn thiện thiết chế văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần của người dân

(Phù Ninh)- Thiết chế văn hoá cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, phát triển phong trào rèn luyện thể dục – thể thao, thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Trong hơn 1 thập kỷ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn cũng như vùng đô thị trên địa bàn huyện Phù Ninh đã được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là việc xây dựng các thiết chế văn hoá – thể dục, thể thao từng bước được hoàn thiện đã tạo đà cho phong văn hoá – thể dục, thể thao ngày càng phát triển.

Hiện nay trên địa bàn huyện 100% các xã, thị trấn có nhà văn hóa kiêm hội trường và trung tâm học tập cộng đồng; 183/183 khu dân cư có nhà văn hóa để hoạt động; toàn huyện có: 06 sân tenis; 80 sân cầu lông; 14 sân bóng đá; 195 sân bóng chuyền, 05 bể bơi, 12 sân Pickleball. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ ở các xã, thị trấn, từng bước đáp ứng yêu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân. Toàn huyện có 01 đội văn nghệ cấp huyện, 07 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ; 150 đội văn nghệ khu dân cư thường xuyên hoạt động sôi nổi. 115 câu lạc bộ thể dục thể thao được thành lập và duy trì hoạt động từ huyện đến cơ sở. Các nhà văn hóa mở cửa thường xuyên hàng ngày phục vụ hoạt động thể thao của nhân dân nơi cư trú (cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn), ngoài ra tại các nhà văn hoá khu dân cư đều sắm các trang thiết bị dụng cụ thể thao ngoài trời dành cho trẻ em và người cao tuổi tham gia vui chơi, giải trí tại nhà văn hoá khu dân cư, thu hút trên 90% tổng số dân trên địa bàn đến sinh hoạt thường xuyên. Trung bình hàng năm, trên địa bàn huyện và các xã, thị trấn tổ chức và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức gần 40 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn từ cấp huyện trở lên với các thể loại, đối tượng khác nhau như: Công nhân, viên chức và người lao động, người cao tuổi, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên…vv.

Huyện đã đẩy mạnh các chương trình, mô hình thực tiễn giúp nâng cao thiết chế văn hoá và đời sống văn hoá ở cơ sở điển hình mô hình “Con đường hoa” ở các xã Trung Giáp, Tiên Du, Tiên Phú, Phú Mỹ góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường sống trong lành, làm đẹp cảnh quan đường làng ngõ xóm. Tuyến đường trang trí cờ Đảng, cờ Tổ quốc, hoa và cây xanh tại xã Trị Quận, mô hình “Thắp sáng đường quê” ở Phú Lộc, Hạ Giáp, Phù Ninh, góp phần giữ gìn ANTT ở địa phương. Phong trào xây dựng mô hình “Điểm vui chơi cho thiếu nhi” của các cấp bộ Đoàn trong huyện đã tạo không gian vui chơi, giải trí, rèn luyện bổ ích cho trẻ em phát triển toàn diện, điển hình như ở các xã: Phú Lộc, Phù Ninh, Bảo Thanh, Trung Giáp… Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn đã vận động nhân dân hiến đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng để nâng cấp vỉa hè, cải tạo hệ thống thoát nước, hệ thống nước sạch sinh hoạt, nâng cấp mở rộng đường ngõ, lắp điện chiếu sáng. 

Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 265 câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, thể dục - thể thao được thành lập và duy trì hoạt động từ huyện đến cơ sở. Số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên hàng năm đạt 58%. Các câu lạc bộ như thể dục dưỡng sinh, bóng chuyền, cầu lông, hát xoan…tạo sân chơi tinh thần lành mạnh cho người dân. Các ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức các giải thi đấu, hội thi, hội diễn, giao lưu văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, từ đó phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân nòng cốt cho phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng. Hàng năm toàn huyện có trên 95% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 93% khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa.

Đoàn thanh niên xã Bảo Thanh khánh thành điểm sinh hoạt vui chơi cho thanh thiếu nhi tại nhà văn hóa khu 7 xã Bảo Thanh.

Cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ của huyện, các xã, thị trấn đã chủ động, vận động sức dân, tạo nên những nguồn lực xã hội quan trọng để thực hiện sửa chữa, xây dựng, nâng cấp các nhà văn hóa tại địa phương. Tổng kinh phí thực hiện cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện thiết chế nhà văn hoá các khu dân cư trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2024 là trên 37 tỷ động, trong đó, nguồn vốn xã hội hoá là trên 30 tỷ đồng. Nhiều xã, thị trấn đã huy động xã hội hoá rất tốt, mang lại một diện mạo mới, hiện đại của nhà văn hoá. Điển hình như Nhà văn hoá khu 14 xã Tiên Phú đã huy động trên 1 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hoá, các thiết chế văn hoá; Nhà văn hoá khu 01 xã Trung Giáp đã huy động xã hội hoá và kinh phí ủng hộ các hộ gia đình được hơn 700 triệu; Nhà Văn hoá Khu 10 xã Phù Ninh đã huy động xã hội hoá nhân dân đóng góp được 381 triệu đồng xây dựng nhà văn hoá, ngoài ra vận động 609 triệu đồng và 150 ngày công lao động để cải tạo, nâng cấp, làm đường bê tông, mái vòm, cổng chào;…

Đặc biệt, tại thị trấn Phong Châu trong quá trình xây dựng đô thị văn minh, nhiều nhà văn hoá đã được nâng cấp, đầu tư khang trang hiện đại, nhiều khu dân cư nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng nhà vòm, sân khấu ngoài trời, nhằm tăng công năng sử dụng nhà văn hoá trong quá trình tổ chức tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao. Hiện nay có 13 nhà văn hoá tại thị trấn xây dựng nhà vòm và sân khấu ngoài trời, tổng kinh phí đóng góp 3 tỷ 289 triệu đồng. 

Có thể khẳng định các thiết chế văn hoá, thể thao đã và đang phát huy hiệu quả, đưa phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của huyện ngày càng phát triển, trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng, chung sức, chung lòng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.