day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Phù Ninh chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

(Phù Ninh)- Xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay, Ban Thường vụ Huyện uỷ Phù Ninh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, huyện đã chú trọng gắn kết 3 khâu: đào tạo, sử dụng, đãi ngộ, trong đó tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo giai đoạn và từng năm làm cơ sở cho việc đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ chủ động, phù hợp, đảm bảo tính kế thừa và phát triển đội ngũ cán bộ, quản lý. Hàng năm chọn cử cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ nguồn quy hoạch đi đào tạo kiến thức chuyên môn sau đại học. Xây dựng kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban, bố trí công tác cho cán bộ sau điều động, luân chuyển vào vị trí phù hợp, phát huy năng lực, sở trường của từng cán bộ, công chức.

Lãnh đạo huyện Phù Ninh tặng hoa chúc mừng khai giảng các lớp liên kết đào tạo Trung cấp nghề năm 2024.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bích - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ cho biết: Huyện luôn xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có kiến thức chuyên môn sâu, có nâng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, có kinh nghiệm thực tiễn, tư duy đổi mới, phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn cán bộ thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có cơ cấu hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực đảm bảo tính kế thừa, phát triển, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ năm 2021 đến hết năm 2024, huyện đã cử hơn 5.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham dự các lớp chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành. Hiện nay 100% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; 81,9% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, trong đó 31,64% có trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc tương đương. 100% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên, có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, khai thác mạng internet và mạng máy tính nội bộ (huyện, ngành) có liên quan đến công việc được giao, sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân.

Đi đôi với công tác năng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, công tác giáo dục – đào tạo được quan tâm phát triển toàn diện, trọng tâm là xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các bậc học, các loại hình giáo dục – đào tạo. Đặc biệt là quan tâm chỉ đạo, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Đến nay đội ngũ giáo viên cơ bản đảm bảo về số lượng, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm; công tác sắp xếp mạng lưới trường lớp học được chú trọng, cơ bản phù hợp với tình hình thực tế và vị trí địa lý của từng địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được quan tâm. Hiện nay tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo của huyện đạt 96,3%.

Công tác đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô đào tạo đối với cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn huyện được chú trọng, đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học của Trung tâm GDTX - GDNN và trường Cao đẳng Công thương Phú Thọ. Công tác đào tạo nghề cho người lao động được quan tâm, từng bước hình thành đội ngũ công nhân kỹ thuật cao, lao động lành nghề phù hợp với cơ cấu lao động; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường lao động từ khâu tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng nghề, giới thiệu việc làm trong huyện, trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Lao động qua đào tạo nghề và truyền nghề đạt 74,2%, trong đó được cấp bằng, chứng chỉ, chứng nhận đạt 39,2%.

Công tác nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe nguồn nhân lực được triển khai tích cực; thực hiện tốt công tác phát triển toàn diện mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở, đảm bảo người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo trang thiết bị y tế, chất lượng cung ứng thuốc, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân; làm tốt công tác dân số và phát triển, tỷ lệ tham gia BHYT đạt tỷ lệ 93,5%; Tập trung xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, tăng cường giáo dục thể chất và các hoạt động thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục; phát triển và nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao quần chúng. Hiện nay 183/183 khu dân cư có nhà văn hoá để hoạt động, có 115 câu lạc bộ thể dục thể thao từ huyện đến cơ sở được thành lập và duy trì hoạt động.

Trường Mầm non Thanh Lâm tổ chức ngày hội STEAM – lập trình tư duy cùng SunBot.

Huyện xác định tiếp tục tăng cường công tác quản lý, quy hoạch và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chú trọng công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu chất lượng đối với thị trường lao động, thu hút các nhà đầu tư có uy tín trong việc đào tạo những ngành nghề mà nhu cầu lao động xã hội đang cần. Nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe nguồn nhân lực, củng cố và phát triển toàn diện mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở, đảm bảo người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Từng bước hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị…, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng dân sinh, kinh tế - xã hội; đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư, nhất là các lĩnh vực phát triển tiềm năng, lợi thế của huyện, tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia làm việc trong các lĩnh vực và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện.