day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Tuyên truyền các biện pháp PCCC rừng, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp

(Phù Ninh)- Hiện nay, tình trạng nắng nóng đang diễn biến phức tạp, Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra. Điện lực Phù Ninh đề nghị UBND huyện Phù Ninh, Đài truyền thanh huyện Phù Ninh tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng nói chung, đồng thời đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp vận hành an toàn và cấp điện ổn định phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện Phù Ninh, cụ thể như sau:

I. Tác hại, tính chất nguy hiểm, hậu quả của cháy rừng:
Cháy rừng là một trong những thảm họa thiêu huỷ tài nguyên rừng một cách nghiêm trọng và nhanh chóng nhất.
Cháy rừng đã làm thiệt hại kinh tế của người dân và của toàn xã hội; làm cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn, đặc biệt đối với người dân sống gần rừng, ven rừng; gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí do khói, bụi…ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân; làm thiệt hại, cạn kiệt tài nguyên rừng; làm mất cân bằng sinh thái, mất môi trường sống của các loài động vật hoang dã, chim muông, côn trùng…suy giảm đa dạng sinh học trong rừng; phá vỡ cấu trúc của đất, gây xói mòn, rửa trôi, bạc màu, làm mất khả năng giữ nước, điều tiết nước, gây lũ đất, lũ quét, lũ ống…làm tăng nhiệt độ mặt đất, dẫn đến sa mạc hoá … Cháy rừng nhiều nơi còn gây cháy lan vào các xí nghiệp, nhà ở, trường học, thậm chí còn gây tai họa chết người và gia súc một cách nghiêm trọng, đau lòng.
Những hệ lụy của cháy rừng, chúng ta phải mất hàng chục năm cũng không dễ dàng khắc phục. Vì thế, việc chủ động phòng chống cháy rừng đã và đang được đặt lên hàng đầu cho cả xã hội, đặc biệt vào thời gian cao điểm nắng nóng.
II. Các nguyên nhân gây cháy rừng:
Ngoài nguyên nhân khách quan là do thời tiết nắng nóng (nhiệt độ cao trên 39-40oC), gió Lào thổi mạnh, thì ý thức, sự bất cẩn của con người là nguyên nhân chính gây ra cháy rừng, như: đốt xử lý thực bì để trồng rừng, sử dụng lửa bất cẩn khi bắt ong; sử dụng lửa bất cẩn trong rừng; đốt hóa vàng mã ở nghĩa trang gần rừng, đốt cỏ, đốt rác trong vườn gây cháy lan rừng… thậm chí chỉ vứt 1 mẩu thuốc lá khi hút xong vào rừng lúc thời tiết hanh khô… cũng gây cháy rừng. Ngoài ra, ở 2 một số nơi còn có hiện tượng hằn thù cá nhân cố ý đốt rừng của nhau dẫn đến cháy rừng.
III. Trách nhiệm Phòng cháy chữa cháy rừng:
Trách nhiệm PCCCR được quy định tại Điều 53, 54, 55 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, cụ thể:
* Chủ rừng có trách nhiệm (Điều 53): xây dựng và thực hiện phương án PCCCR; Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật; đầu tư xây dựng công trình, trang bị phương tiện, dụng cụ PCCCR (đường băng cản lửa,…); đảm bảo kinh phí cho hoạt động PCCCR; phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về PCCCR; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận; phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng….
* Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hoạt động ở trong rừng, ven rừng có trách nhiệm (Điều 54):
1. Thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về PCCCR theo quy định của pháp luật. 3
2. Đôn đốc nhắc nhở các thành viên trong phạm vi quản lý của mình thực hiện quy định, nội quy, các điều kiện an toàn về PCCCR.
3. Phát hiện cháy, báo cháy và tham gia chữa cháy rừng.
4. Phối hợp với chủ rừng, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về PCCCR; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng.
5. Tham gia các hoạt động PCCCR khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, tích cực tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.
* Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sinh sống, hoạt động ở trong rừng, ven rừng có trách nhiệm (Điều 55):
1. Thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về PCCCR theo quy định của pháp luật (Khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện: Biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy; Không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Trong ngày, tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều; Trước khi đốt phải thông báo với trưởng thôn, bản, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa. Sử dụng lửa ở những cơ sở, công trình, công trường và nhà ở được phép bố trí ở trong rừng phải bảo đảm không để cháy lan vào rừng; sau khi sử dụng lửa phải dập tắt hết tàn lửa).
2. Đôn đốc nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện quy định, nội quy, các điều kiện an toàn về PCCCR.
3. Phối hợp với chủ rừng, các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức trên địa bàn trong việc bảo đảm an toàn về PCCCR; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng.
4.Tham gia các hoạt động PCCCR khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
5. Bảo đảm an toàn về PCCCR khi được phép sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và bảo quản, sử dụng chất cháy trong rừng và ven rừng.
6. Ngăn chặn và báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy rừng và hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCCR; báo cháy và chữa cháy kịp thời khi phát hiện cháy và chấp hành nghiêm lệnh huy động tham gia chữa cháy rừng.
IV. Xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng:
Được quy định tại Điều 16, 17 Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, cụ thể như sau:
– Điều 16: Hành vi vi phạm các quy định chung về PCCCR (không gây ra cháy rừng) như: Hành vi đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh; không thực hiện đúng quy định pháp luật về sử dụng lửa khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng; đưa chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy vào rừng trái 4 quy định của pháp luật…bị xử phạt hành chính từ 100 ngàn đến 10 triệu đồng (tùy từng hành vi).
– Điều 17: Hành vi vi phạm các quy định pháp luật về PCCCR gây cháy rừng (đối với cây trồng chưa thành rừng hoặc khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng đến dưới 3 ha; rừng sản xuất đến dưới 0,5 ha; rừng phòng hộ đến dưới 0,3 ha; rừng đặc dụng đến dưới 0,1 ha; gây thiệt hại về giá trị lâm sản đến dưới 100 triệu đồng) thì bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng
Nếu vi phạm các quy định pháp luật về PCCCR gây cháy rừng (đối với cây trồng chưa thành rừng hoặc khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng trên 3 ha; rừng sản xuất trên 0,5ha; rừng phòng hộ trên 0,3ha; rừng đặc dụng trên 0,1ha; gây thiệt hại về giá trị lâm sản trên 100 triệu đồng) thì xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
Đồng thời, phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính đối với từng hành vi theo quy định.
– Người dân, các doanh nghiệp và chủ rừng tuân thủ các quy định, không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 4, các quy định cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không tại Điều 12 trong Quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện ban hành kèm theo Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014
– Đề nghị người dân và các cơ quan, doanh nghiệp địa phương khi phát hiện cháy gần HLATLĐCA nhanh chóng báo cho đơn vị Điện lực theo số điện thoại nóng: 0210.3828072 để nhanh chóng phối hợp chữa cháy và đảm bảo các biện pháp an toàn điện.
– Đề nghị UBND huyện, Đài truyền thanh huyện Phù Ninh và các ban nghành liên quan tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục việc thực thi pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các sai phạm của các tổ chức và cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy cũng như công tác đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp.