day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Tăng cường thực hiện các biện pháp khôi phục sản xuất sau cơn bão số 3 - YAGI

(Phù Ninh)- Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3 – YAGI, mưa lớn đã gây gẫy đổ cây cối, lúa và hoa màu, ngập úng diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất trên địa bàn. Thực hiện các Văn bản số 1413/SNN-TT.CNTY ngày 11/9/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường thực hiện các biện pháp khôi phục sản xuất sau mưa bão số 3 – YAGI và Văn bản số 20/BCH-VPTT ngày 12/9/2024 của BCH phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện về việc khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, tập trung hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và Văn bản số 1275/UBND-CNTY ngày 13/9/2024 của UBND huyện về việc đề nghị hỗ trợ hóa chất khử trùng, tiêu độc phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn sau ảnh hưởng của bão số 3. Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện ngay một số nội dung sau:

1. Về trồng trọt:
- Đối với cây lúa: Tập trung mọi nguồn lực thực hiện bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, gây thiệt hại. Với diện tích lúa giai đoạn trỗ đến chín sáp, sau khi nước rút, tháo cạn nước trong ruộng, dựng lúa bằng cách túm 3-4 gốc lúa buộc lại với nhau thành hình chân kiềng để cho cây đứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc và chín. Với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch khẩn trương thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, giải phóng đất để gieo trồng cây vụ Đông.
Tăng cường công tác dự tính dự báo, phát hiện và phòng trừ kịp thời sự bùng phát của sâu bệnh hại như: rầy nâu, sâu sâu đục thân, bệnh bạc lá trên diện tích lúa trỗ muộn,... 
- Đối với cây rau màu: Tranh thủ thu hoạch diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng. Những diện tích không có khả năng phục hồi thu gom để tiêu hủy. Đối với diện tích thiệt hại nhẹ, tiêu thoát nước kịp thời, cắt tỉa các thân cành bị dập, gãy tạo điều kiện cho ruộng thông thoáng, hạn chế nấm bệnh; khi trời tạnh ráo cần xới xáo nhẹ mặt luống, vun gốc và dựng cây, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK... cho cây nhanh phục hồi; thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện các loại nấm bệnh thường phát sinh gây hại trên rau màu sau bão. Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau, đồng thời mở rộng diện tích cây vụ Đông 2024 nhằm bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra. 
- Đối với cây ăn quả: Chỉ đạo tập trung thu hoạch nhanh, gọn, đặc biệt đối với diện tích cây ăn quả đã đủ tuổi thu hoạch  (hồng không hạt Gia Thanh, bưởi chua, bưởi chín sớm,…); khẩn trương khơi, thoát nước ngay, tránh để nước đọng trên vườn và xung quang các gốc cây, gây hiện tượng úng cục bộ:
+ Đối với cây hồng không hạt Gia Thanh bị gãy, đổ: 
* Đối với cây đổ, bật gốc: Thu hoạch hết quả; Cắt bỏ những cành gẫy/bị tổn thương nặng do bão, cắt bỏ rễ dập nát, rễ quá dài; quét sơn hoặc bôi vôi, xi măng nhão vào các vết cắt, để khô; Đào và chỉnh sửa lại hố trồng, dựng lại cây theo hướng tự nhiên, dùng đất mới để trồng lại, dồn đất chặt; không bón phân hóa học hoặc trộn phân vào đất khi trồng cây.
* Đối với cây bị nghiêng, có cành bị gẫy, tán lá xơ xác: Thu hoạch hết quả, cắt bỏ cành gẫy, dùng cọc, dây và dụng cụ đưa cây về thế tán đứng tự nhiên, chống đỡ chắc chắn.
+ Đối với bưởi, cây ăn quả có múi và cây ăn quả khác: Cắt bỏ những cành gẫy/bị tổn thương nặng do bão, ngập lụt; Khi đất se mặt, phá váng, bón phân với liều lượng: 0,1- 0,2 kg ure + 0,1 - 0,2 kg Kaliclorua/cây (tuỳ loại và tuổi cây) để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới.
Chú ý các loại sâu bệnh hại thường hay xuất hiện sau mưa bão: Bệnh loét bằng thuốc Bordeaux 1 - 2%, bệnh chảy gôm, loét bằng thuốc Ridomil MZ 72… Có thể sử dụng nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ và tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh để làm giàu hệ thống vi sinh vật đất, đặc biệt các vi sinh vật đối kháng.
2. Về chăn nuôi:
- Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khắc phục, khôi phục cho đàn vật nuôi sau cơn bão số 3 năm 2024 (Theo hướng dẫn của sở NN&PTNT kèm theo).
- Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và khắc phục, khôi phục cho đàn vật nuôi. Chủ động bố trí nguồn kinh phí để phục vụ kịp thời cho công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Kịp thời thống kê diện tích cây trồng, số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại, đề xuất chính sách hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai gửi về UBND huyện (qua phòng NN&PTNT) chậm nhất ngày 18/9/2024.
Tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, phân bón và thuốc BVTV…); không để xảy ra tình trạng thiếu các loại vật tư nông nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.
Chủ tịch UBND huyện  yêu cầu:
1. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Rà soát hiện trạng sau bão lũ và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều; chỉ đạo, hướng dẫn Xí nghiệp Thủy nông và UBND các xã, thị trấn khẩn trương kiểm tra, sửa chữa, vận hành các trạm bơm tiêu để khắc phục tình trạng ngập úng;
- Hướng dẫn các xã, thị trấn khôi phục sản xuất nông nghiệp, sớm ổn định sản xuất, đời sống nhân dân sau khi lũ rút; áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng sau ngập úng; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp khung thời vụ và điều kiện thời tiết; Hướng dẫn người dân thu gom, tiêu hủy động vật chết do mưa lũ theo đúng quy định; xuất dự trữ hóa chất để tiêu độc, khử trùng cho các khu vực chăn nuôi bị ảnh hưởng do mưa lũ, không để dịch bệnh lây lan; 
- Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn huyện; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện. Phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ từ nguồn ngân sách huyện và đề xuất Ủy ban nhân dân huyện báo cáo UBND tỉnh, Sở NN&PTNT hỗ trợ giống cây trồng, lương thực và kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai theo các quy định hiện hành.
2. Trạm Khuyến nông: Phối hợp với các trạm: Chăn nuôi và Thú y, Trồng trọt và BVTV tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khắc phục, khôi phục sản xuất sau mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử huyện và mạng xã hội (zalo, facebook, viber,...) nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng.
3. Trạm Chăn nuôi và Thú y, trạm Trồng trọt và BVTV: Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và khắc phục, khôi phục sản xuất trồng trọt và chăn nuôi sau mưa, lũ. Nắm bắt, tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại sản xuất và kết quả triển khai các biện pháp tại các địa phương.
4. Xí nghiệp Thuỷ nông Phù Ninh
- Phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã kiểm tra đê, kè, cống, trạm bơm phát hiện hư hỏng và có biện pháp xử lý kịp thời; trực tiêu úng những vùng trũng, thấp như: Tiên Du, Hạ Giáp, Bình Phú…
- Tổ chức nạo vét, khơi thông hệ thống kênh, mương tiêu thoát nước; khẩn trương vận hành các trạm bơm tiêu để tiêu úng.

Trên đây là các nội dung cấp bách để khôi phục sản xuất sau cơn bão số 3 - YAGI, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, các phòng, đơn vị nghiêm túc chỉ đạo triển khai thực hiện.