day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Năm, 02/01/2025, 09:36 (GMT+7)
(Phù Ninh)- Xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết là một trong những khâu then chốt nhằm nâng cao phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng. Để có Nghị quyết “đúng”, “trúng”, cần bám sát hơi thở của cuộc sống, phù hợp với tình hình địa phương và sát thực với đời sống của nhân dân. Nghị quyết số 13-NQ/HU, ngày 08/01/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản huyện Phù Ninh giai đoạn 2020 - 2025 là một nghị quyết như thế. Sức sống và sự lan tỏa của nghị quyết đã giải quyết vấn đề thiết thực, trước mắt nhưng mang tính lâu dài và rất hợp lòng dân.
Ra đời từ đầu năm 2020, Nghị quyết 13 được coi là nghị quyết “mẹ”, nhằm phát triển cây chè, bưởi Diễn, hồng không hạt Gia Thanh và nông nghiệp cận đô thị. Trong quá trình cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành thêm 2 nghị quyết bổ trợ, đó là Nghị quyết số 94-NQ/HU ngày 30/12/2021 về chuyển đổi diện tích bạch đàn chồi trên địa bàn huyện Phù Ninh đến hết năm 2023 và Nghị quyết số 95-NQ/HU ngày 30/12/2021 về phát triển vùng hồng đặc sản Gia Thanh giai đoạn 2022 - 2025.
Nghị quyết 13 đã được điều chỉnh bổ sung sát với điều kiện thực tế, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Nếu như trước đây, đất đai sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả, giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích thấp, chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của huyện, các sản phẩm hóa chưa nhiều, không khảng định được thương hiệu đặc trưng của Phù Ninh, đời sống, nhân dân gặp khó khăn, Nghị quyết 13 ra đời và đi vào cuộc sống đã tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần, bồi đắp niềm tin cho nhân dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới đang từng ngày khởi sắc.
Cụ thể hóa Nghị quyết 13, lúc đầu còn gặp những khó khăn: người dân chưa nhận thức rõ, chưa mặn mà, đồng thuận với những nội dung được triển khai. Bằng sự chỉ đạo quyết liệt và bền bỉ, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, làm thay đổi tư duy về phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã và phương thức lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng gần dân, sát cơ sở hơn. Từ đó, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khai thác được tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng của các vùng, từ phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm sang kinh tế nông nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất, vùng đồi của gia đình, địa phương. Thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp chuyển sang sản xuất kinh doanh, thúc đẩy gia tăng giá trị bình quân sản phẩm trên một ha đất canh tác nông, lâm nghiệp, thủy sản. Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp (trồng rừng: keo lai, tràm, cây ăn quả: hồng không hạt Gia Thanh, bưởi Diễn, da xanh…) Lựa chọn đúng cây đặc sản để phát huy và nhân rộng. Tạo nền tảng để phát triển các sản phẩm ocop, phát triển làng nghề, làng có nghề. Xây dựng và giới thiệu hình ảnh của huyện, bước đầu thu hút đầu tư vào sản xuất, giá trị đất nông nghiệp, đồi rừng tăng cao, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn huyện. Các cây trồng chủ lực như lúa, ngô, cây ăn quả (hồng, bưởi) và rau màu được mở rộng; phát triển một số mô hình nông sản chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao, như: mô hình trồng rau, dưa trong nhà màng, hệ thống tưới tiêu, bón phân thông minh; chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản đã được phát triển theo hướng an toàn, từng bước nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất. 7/7 mục tiêu cơ bản đạt và vượt so với mục tiêu nghị quyết.
Mặc dù diện tích sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp do tác động của việc thực hiện các dự án phi nông nghiệp, nhưng do được tiếp cận, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới (quy trình kỹ thuật, giống, phân bón,...), trình độ thâm canh cây lúa, cây ngô của nhân dân được nâng lên, năng suất cây trồng tăng. Tổng diện tích cây lương thực là 4.735,7/4.800 ha, đạt 98,7% so với mục tiêu nghị quyết. Cây hồng không hạt Gia Thanh được coi là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện. Diện tích trồng hồng Gia Thanh trên địa bàn huyện 266,5/200 ha, tăng 33% so mục tiêu nghị quyết; trong đó diện tích trồng mới 193,3 ha; diện tích cho sản phẩm là 137,14 ha. Năng suất bình quân đạt 152/125 tạ/ha, tăng 21% so mục tiêu nghị quyết. Khẳng định được đây là cây ăn quả đặc sản của huyện Phù Ninh nói riêng và của tỉnh Phú Thọ, góp phần làm thay đổi tư duy về phát triển kinh tế vùng đồi. Qua hình ảnh cây hồng để quảng bá hình ảnh của huyện Phù Ninh với bạn bè trong và ngoài tỉnh. Ngoài cây hồng đặc sản, cây bưởi, chè và cây gỗ lớn cũng được quan tâm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng. Toàn huyện có 272,6 ha bưởi, 545,3ha chè (545,3 cho sản phẩm), trồng được 505.000 cây phân tán, giữ ổn định rừng phòng hộ 75 ha, rừng đặc dụng 22 ha. Đây là chủ trương lớn trong nghị quyết, nhằm đa dạng hóa các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ, nâng cao thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, bước đầu hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Công nghệ nuôi thâm canh, bán thâm canh được đẩy mạnh; giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi tăng lên nhiều so với trước đây. Góp phần tích cực trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ nông dân. Diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng thu hoạch đều tăng so mục tiêu nghị quyết, trong đó, sản lượng khai thác, đánh bắt tự nhiên 349,02 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng 1.529,2 tấn. Chú trọng phát triển nông nghiệp cận đô thị, lập quy hoạch đầu tư vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở các xã An Đạo, Bình Phú với quy mô 60 ha. Tập trung chỉ đạo phát triển một số loại cây có giá trị: cây hoa (xã Tiên Du), cây cảnh (Phú Lộc, Phù Ninh, thị trấn Phong Châu); rau an toàn: măng tây, dưa lưới, cà chua, cải bắp, xu hào, dưa chuột bao tử, ngô nếp chất lượng cao, ngô ngọt thực phẩm (Tiên Du, An Đạo). Hiện nay, diện tích vùng trồng rau an toàn ước đạt hơn 6 ha.
Có thể khảng định, Nghị quyết số 13 với các quan điểm, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, sát thực tiễn, tính khả thi cao, tạo được niềm tin, hứng khởi cho cả hệ thống chính trị, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực. Trên cơ sở Nghị quyết, Hội đồng nhân dân, UBND huyện chỉ đạo phòng ban chuyên môn, UBND các xã thị trấn tích cực triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, đề án để thúc đẩy nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn phát triển, làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy về sản xuất nông nghiệp của người dân Phù Ninh, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nhất là phát triển kinh tế vùng đồi, kinh tế trang trại, phát huy được lợi thế của từng địa phương, dần tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, khuyến khích áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Những sản phẩm: chè Chùa Tà xã Tiên Phú, bưởi Phú Lộc, hồng không hạt Gia Thanh, cá thính Tử Đà, bánh sắn Phong Châu, cá Koi Phú Mỹ, Gà đồi Liên Hoa, bánh tẻ Bình Phú, trứng gà đen Hạ Giáp, mỳ gạo Làng Vai, mật ong Trung Giáp... và một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Phù Ninh đang dần khẳng định được giá trị, chất lượng trên thị trường.
Những kết quả đạt được của Nghị quyết 13 và bài học kinh nghiệm từ thực tế đã minh chứng thuyết phục về sức sống của một nghị quyết. Điều đó có ý nghĩa then chốt nhằm phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo được sự thống nhất và đồng thuận cao trong toàn Đảng bộ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX nhiệm kỳ 2020 - 2025, là tiền đề quan trọng để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nghị quyết triển khai thực hiện trên địa bàn huyện phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.