day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Sáu, 06/12/2024, 04:33 (GMT+7)
(Phù Ninh)- Xác định tầm quan trọng của phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Ninh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU, ngày 08/01/2020 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản huyện giai đoạn 2020 – 2025. Quá trình triển khai thực hiện nghị quyết trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng, ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, sau 5 năm, việc thực hiện Nghị quyết đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Trên cơ sở Nghị quyết, Hội đồng nhân dân, UBND huyện chỉ đạo phòng ban chuyên môn, UBND các xã thị trấn tích cực triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, đề án để thúc đẩy nông, lâm nghiệp thủy sản trên địa bàn phát triển, nâng cao thu nhập đời sống cho nhân dân và xây dựng nông thôn mới. Quá trình thực hiện Nghị quyết đã làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy về sản xuất nông nghiệp của người dân Phù Ninh, từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nhất là phát triển kinh tế vùng đồi, kinh tế trang trại, kinh tế ... từ đó phát huy được lợi thế của từng vùng địa phương và dần tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, khuyến khích được việc áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Những sản phẩm: chè Chùa Tà xã Tiên Phú, bưởi Phú Lộc, hồng không hạt Gia Thanh, cá thính Tử Đà, bánh sắn Phong Châu, cá Koi Phú Mỹ, Gà đồi Liên Hoa, bánh tẻ Bình Phú, trứng gà đen Hạ Giáp, mỳ gạo Làng Vai, mật ong Trung Giáp... và một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện đang dần khẳng định được chất lượng, giá trị trên thị trường.
Do có được sự đồng lòng của người dân, các cơ chế, chính sách được ban hành đã nhanh chóng được vận dụng vào thực tế sản xuất, hỗ trợ để xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, tạo động lực lớn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện. Các phòng, ban, cơ quan chuyên môn, Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền thực hiện theo từng lĩnh vực, đảm bảo các chính sách được phổ biến đến toàn bộ các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Thực hiện hiệu quả xã hội hóa nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế; Tập trung nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn theo chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, việc thực hiện các chính sách có sự huy động đối ứng của các đối tượng thụ hưởng như: vốn, lao động, đất đai. Thông qua đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện chính sách, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, trình độ canh tác và khả năng đầu tư thâm canh của nông dân đã được cải thiện; các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được áp dụng, tạo điều kiện thâm canh, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật đã được tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên theo kế hoạch, giúp bà con nông dân chủ động áp dụng kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả…
Kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản huyện có bước phát triển, các cây trồng chủ lực như lúa, ngô, cây ăn quả (hồng, bưởi) và rau màu được mở rộng. Huyện đã phát triển một số mô hình nông sản chất lượng cao; mô hình nông nghiệp công nghệ cao, như: mô hình trồng rau, dưa trong nhà màng, hệ thống tưới tiêu, bón phân thông minh. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản đã được phát triển theo hướng an toàn, từng bước nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất.
Trong những năm gần đây, mặc dù diện tích sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp do tác động của việc thực hiện các dự án phi nông nghiệp, nhưng do được tiếp cận, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới (quy trình kỹ thuật, giống, phân bón,...), trình độ thâm canh cây lúa, cây ngô của nhân dân được nâng lên, năng suất cây trồng tăng.
Cây hồng không hạt Gia Thanh được coi là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện, là cây ăn quả đặc sản của huyện Phù Ninh nói riêng và của tỉnh Phú Thọ. Hồng không hạt Gia Thanh ra hoa, đậu quả tốt, quả không có hạt, đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Phát triển loại cây này sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với vùng sinh thái, khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích đất đồi gò thấp một cách bền vững và bảo vệ tài nguyên môi trường. Diện tích trồng hồng Gia Thanh trên địa bàn huyện hiện nay là 266,5ha, Năng suất bình quân đạt 152tạ/ha, sản lượng 2.082,9 tấn/năm.
Cây chè được phát triển tập trung ở 6 xã phía Bắc của huyện (Tiên Phú, Phú Mỹ, Lệ Mỹ, Liên Hoa, Trung Giáp, Trạm Thản), đến nay toàn huyện có 545,3ha; năng suất 101,6 tạ/ha, sản lượng 5.538/6.000 tấn. Người dân trồng chè các xã: Tiên Phú, Lệ Mỹ, Trung Giáp, Trạm Thản, Phú Mỹ, Liên Hoa tích cực đầu tư thâm canh, cải tạo diện tích cây chè hiện có, phá bỏ gần 30ha chè cũ, cằn cỗi, kém hiệu quả, trồng đa dạng các giống chè có chất lượng cao như: Chè Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, chè lai LDP1, LDP2, PH8, PH9…
Về phát triển rừng sản xuất, rừng cây gỗ lớn, trong 5 năm, toàn huyện đã trồng được 505.000 cây phân tán, chuyển đổi 146 ha diện tích vùng sản xuất từ cây keo, cây bạch đàn sang rừng cây gỗ lớn; trồng rừng sau khai thác được 498,9ha, tập trung ở các xã phía bắc huyện. Tiếp tục duy trì và giữ ổn định rừng phòng hộ 75 ha, rừng đặc dụng 22 ha.
Chăn nuôi trên địa bàn huyện bước đầu hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Công nghệ nuôi thâm canh, bán thâm canh được đẩy mạnh; giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi tăng lên nhiều so với trước đây. Góp phần tích cực trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ nông dân. Tổng đàn trâu 2.550, đàn bò 7.900con, đàn lợn 97.585con. Tổng đàn gia cầm toàn huyện 1.220 nghìn con.
Diện tích nuôi trồng thủy sản là 584,3 ha. Sản lượng thu hoạch ước đạt 1.878 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác, đánh bắt tự nhiên 349,02 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng 1.529,2 tấn. Hoạt động nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế mặt nước sông, nâng cao thu nhập của người nông dân. Tuy nhiên, do khí hậu biến đổi phức tạp, hạn hán, bão lũ xảy ra dẫn tới hoạt động nuôi cá lồng trên sông gặp nhiều khó khăn.
Có thể khẳng định rằng, Nghị quyết số 13 với các quan điểm, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, sát thực tiễn, tính khả thi cao, tạo được cảm hứng cho cả hệ thống chính trị, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn huyện.