day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

84 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Phú Thọ: Về nơi Đảng đã gieo mầm

Năm 1939, Trung ương chủ trương đưa một số cán bộ ở thành thị đang hoạt động công khai rút vào bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn. Nhận thấy Phú Thọ có vị trí hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự, lại được quần chúng tích cực hưởng ứng, Xứ ủy Bắc Kỳ cử nhiều cán bộ về tỉnh gây dựng cơ sở. Đến cuối năm 1939, Phú Thọ đã xây dựng được cơ sở cách mạng và các tổ chức quần chúng phản đế. Đặc biệt là sự ra đời của 4 chi bộ hạt gống đầu tiên: Chi bộ Cát Trù - Thạch Đê, còn gọi là Chi bộ Đọi Đèn (Cẩm Khê), Chi bộ Thái Ninh (Thanh Ba), Chi bộ Phú Hộ (Phù Ninh) và Chi bộ Nhà máy bột giấy Việt Trì. Trong suốt những năm qua, phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây chung sức đồng lòng viết tiếp những trang sử vẻ vang, vững bước trên con đường xây dựng quê hương đổi mới và phát triển.

Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ là minh chứng cho những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hùng Việt đạt được trong những năm qua

Ngược dòng lịch sử

Những ngày tháng 3/2024, chúng tôi về vùng quê giàu truyền thống cách mạng xã Hùng Việt (huyện Cẩm Khê). Nơi đây, trong những năm thời kỳ đầu của cách mạng, đã diễn ra sự kiện chính trị quan trọng là thành lập Chi bộ Cát Trù - Thạch Đê, còn gọi là Chi bộ Đọi Đèn - 1 trong 4 chi bộ đầu tiên của tỉnh Phú Thọ.

Ngược thời gian về lại những năm 1939, thi hành Chỉ thị của Đảng, tháng 8/1939, đồng chí Nguyễn Văn Trạch (bí danh Hồng Quang - cán bộ đoàn Thanh niên dân chủ và là con rể ông Ký Thọ người làng Cát Trù, huyện Cẩm Khê) đã đưa các đồng chí Đào Duy Kỳ, Trần Hải Kế - những cán bộ của Xứ ủy Bắc Kỳ về làng Cát Trù nghiên cứu tình hình để gây dựng những “hạt giống” đảng viên đầu tiên của tỉnh Phú Thọ.

Chọn Cát Trù làm làm điểm đến đầu tiên của tỉnh Phú Thọ vì nơi đây vốn có truyền thống cách mạng từ phong trào Cần Vương (với những địa danh như núi Đọi Đèn, Rừng Già và tên tuổi Đề Kiều (tướng lĩnh thời Cần Vương)... nên có nhiều điều kiện để tuyên truyền, vận động những người dân ưu tú tham gia hoạt động cách mạng. Cuối năm 1939, 10 quần chúng giác ngộ đã được kết nạp hội viên thanh niên và phụ nữ phản đế. 2 hội viên hăng hái giác ngộ nhất trong số các hội viên phản đế là Trần Văn Cần, Đặng Ngọc Ky đã được tuyên truyền và kết nạp Đảng.

Chùa Trò trở thành địa chỉ đỏ giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của quê hương

Trên cơ sở đủ điều kiện để thành lập chi bộ, đồng chí Lương Khánh Thiện thay mặt Xứ ủy ra quyết định thành lập Chi bộ Cát Trù - Thạch Đê, còn gọi là Chi bộ Đọi Đèn. Sở dĩ lấy tên “Đọi Đèn” bởi nơi đây có ngọn núi Đọi Đèn thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Trên ngọn núi có ngọn đèn ngày đêm cháy sáng. Đảng ta lấy bí danh là Đọi Đèn có ý nghĩa như đốm lửa soi đường. Cát Trù lúc này trở thành địa điểm có nhiều cán bộ lui tới xin chỉ thị công tác của đồng chí lãnh đạo Xứ ủy. Đây là cơ sở cho sự phát triển của phong trào cách mạng tại địa phương giai đoạn hiện tại cũng như sau này.

Cách mạng tháng Tám của Nhân dân ta thành công - đất nước hoàn toàn độc lập, Chi bộ Cát Trù - Thạch Đê là cơ sở để hình thành các chi bộ ở Cẩm Khê. Đến cuối năm 1946, Cẩm Khê đã có 4 chi bộ được thành lập, đó là chi bộ Cát Trù - Thạch Đê, Núi Thông, Cột Cờ và Hiệp Thành với tổng số đảng viên là 90 đồng chí.

Đầu năm 1947, làng Thạch Đê được tin tưởng lựa chọn là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ Nhất. Ánh sáng soi đường chỉ lối từ Chi bộ Đọi Đèn đã thực sự tỏa sáng, thắp lên niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, đảng viên, Nhân dân nơi đây sắt son một lòng theo Đảng, đoàn kết đứng lên giành chính quyền, kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Khởi sắc xã nông thôn mới nâng cao

Đồng chí Hoàng Mạnh Tiếp - Bí thư Đảng ủy xã Hùng Việt cho biết: Trải qua những giai đoạn khác nhau của cách mạng, Đảng bộ xã Hùng Việt đã không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo Nhân dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đóng góp sức người sức của cho miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà. Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là cấp ủy các cấp, Đảng bộ và Nhân dân trên địa bàn xã đã phát huy cao độ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tận dụng sự đầu tư của Nhà nước, kiên trì phấn đấu và giành được nhiều kết quả quan trọng. Đến tháng 1/2020, 3 xã Tình Cương, Cát Trù, Hiền Đa sáp nhập thành xã Hùng Việt đã tạo thêm nhiều nguồn lực mới giúp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Giữ vững truyền thống cách mạng, công tác xây dựng Đảng trên địa bàn xã luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm thường xuyên. Từ 1 chi bộ có 3 đảng viên đầu tiên, đến nay, Đảng bộ xã có 632 đảng viên sinh hoạt tại 23 Chi bộ. Bám sát vào các nhiệm vụ chính trị trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ủy xã chỉ đạo các chi bộ tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tổ chức cho đảng viên học tập, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy; thường xuyên chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII gắn với tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Làng nghề mì bún bánh Hiền Đa đã và đang trở thành một thế mạnh để xã chú trọng đầu tư phát triển góp phần xây dựng nông thôn mới

Là một trong những khu vực trọng điểm phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, xã đã xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, thu hút đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, tổng thu nhập từ thương mại dịch vụ đạt trên 250 tỉ đồng; nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 128 tỉ đồng; tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đạt trên 88 tỉ đồng. Đi đôi với sản xuất, xã đã làm tốt việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của xã đạt trên 250 tỉ đồng. Đầu tư xã hội tăng mạnh cả về nguồn đầu tư và cấp độ công trình làm biến đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,87%.

Hợp nhất từ 3 xã nông thôn mới, mục tiêu của Hùng Việt là hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Xã đã xây dựng kế hoạch, triển khai huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đảng bộ xã tập trung lãnh, chỉ đạo và huy động được nguồn lực trong Nhân dân, con em quê hương, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên và nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã huy động trên 34 tỉ đồng, trong đó vốn từ ngân sách Nhà nước trên 26 tỉ đồng; nguồn vốn huy động trong Nhân dân và con em quê hương là trên 7 tỉ đồng. Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn xã hội hóa, xã huy động trên 2 tỉ đồng để xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị… phục vụ nhu cầu sinh hoạt và các hoạt động văn hóa thể dục thể thao cho Nhân dân.

Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phát huy nội lực, tháng 12/2023, Hùng Việt được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Việc công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là động lực để xã Hùng Việt tiếp tục duy trì, phát huy, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Chia tay Hùng Việt - nơi cách đây 84 năm đã đánh dấu chặng đường xây dựng và phát triển Đảng bộ tỉnh. Những trang sử vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hùng Việt ghi dấu sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tinh thần, ý chí đoàn kết một lòng của Nhân dân. Sức mạnh đó nay lại được các thế hệ đảng viên và Nhân dân nơi đây phát huy xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới, xứng đáng là nơi được chọn để xây dựng cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh.