day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Nhà thờ họ Lê Đình, xã Tử Đà, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ

Di tích Nhà thờ họ Lê Đình được xây dựng tại khu 2 (Xóm Đình), xã Tử Đà, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Di tích được UND tỉnh Phú Thọ xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 07/01/2014.

1. Sự kiện, nhân vật lịch sử
Theo phả tộc truyền lại, dòng họ Lê Đình được hình thành cách đây hơn một ngàn năm trên đất Phong Châu.
Khởi đầu là Tiên tổ khảo - cụ Lê Đình Khâm - tự là Phúc Thái, hiệu Hòa Ân, cùng Tiên tổ tỷ - cụ bà Đinh Phật Tịnh, hiệu Từ Kim, hai cụ sinh ra tại làng Diễn Ngãi (Diễn Nghĩa), huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Cụ Lê Đình Khâm có có tài có đức, được vua Lê Đại Hành triều đại Tiền Lê giao cho chức Văn Tăng Hầu, phò ngự Man Vương đời thứ 4 vào năm Canh Thìn (năm 980). Cụ Văn Tăng Hầu - Lê Đình Khâm được nhà vua giao cho lên chấn ải châu thành Phong Châu thuộc nước Đại Cồ Việt, niên hiệu Thiên Phúc nguyên niên (năm 980).
Năm 1005: cụ Văn Tăng Hầu - Lê Đình Khâm được vua Lê Long Đĩnh giao cho thống lĩnh trọng sự trấn giữ Châu thành Phong Châu, thuộc nước Đại Cồ Việt, (niên hiệu Ứng Thiên).
Năm 1008 - niên hiệu Cảnh Thụy nguyên niên (năm Cảnh Thụy thứ nhất): Vua Lê Ngọa Triều - Lê Long Đĩnh phong cho Lê Đình Khâm chức Tòng tả tướng đương triều đặc nhiệm việc binh, lương và trị an châu thành Phong Châu, nước Đại Cồ Việt. Sau đó được phong tước Đại phu và được hưởng chức tước bổng lộc cha truyền con nối, giữ hương hỏa truyền 12 đời.
Năm 1925: Dưới triều nhà Trần, nước Đại Việt - thời vua Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 3: Cụ tổ đời thứ 12 đưa gia quyến về định cư tại Ngọc động, tổng Cự Đà để lập nghiệp và truyền 16 đời.
Đến triều Hậu Lê, niên hiệu Vĩnh Thịnh đệ lục niên (năm Vĩnh Thịnh thứ 6 đời vua Lê Ý Tông, tức năm 1710), cụ tổ đời thứ 28 cùng dòng họ từ nam, phụ, lão ấu và hơn 300 trai tráng theo dòng họ xuất cư hành đại nghiệp, còn lại 2 người con trai là anh em Lê Đình Ải và Lê Đình Lũy được giao ở lại giữ hương hỏa kế truyền về sau.
Từ Tổ khảo và Tổ tỷ của 3 chi trong Lê Đình tộc truyền đời đến nay có trên 300 hộ và trên 1000 nhân khẩu.
Năm 1947 -1949: Nhà thờ nhường cho Ty Thuế quan Trung ương đóng và làm việc.
Những năm kháng chiến chống Pháp, nhà thờ là nơi mở các lớp Bình dân học vụ, lớp tiểu học, các lớp huấn luyện thông tin tuyên truyền huyện Phù Ninh. Nhà thờ còn là trụ sở của các cơ quan kháng chiến làm việc như: Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Phú Thọ, Kho thuốc chữa bệnh Quân y của Bộ Quốc phòng; là nơi tập kết bộ đội địa phương và chủ lực chuẩn bị cho trận tấn công địch ở Rừng Trò, Núi Sõng; là nơi đơn vị trinh sát 305 đóng quân, huấn luyện.
Năm 1954, nhà thờ họ Lê Đình là nơi làm việc của ban Chỉ huy trao trả tù binh Pháp.
Năm 1954 -1955: Cơ quan Liên xã Nguyễn Huệ cũng chọn nhà thờ họ là nơi làm việc về giảm tô cải cách. 
Với sự thamgia đóng góp của dòng họ, các hoạt động của các tổ chức cánh mạng, tổ chức kháng chiến chống Pháp đạt tại nhà thờ họ Lê Đình đều được đảm bảo an toàn, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng cả nước.
2. Lịch sử xây dựng di tích
Nhà thờ họ Lê Đình được xây dựng vào năm 1470 - năm Canh Dần triều Hậu Lê, nước Đại Việt, niên hiệu Hồng Đức nguyên niên. Địa điểm tại Động Ngọc (khu 8 - xóm Ngọc ngày nay). Nhà được làm 3 gian với nguyên liệu tranh tre, vách đất.
Năm 1474 - năm Giáp Ngọ, năm Vĩnh Thịnh thứ 10, triều Hậu Lê nước Đại Việt: nhà thờ được xây dựng lại địa điểm cũ: Động Ngọc nhưng quy mô to lớn hơn, vật liệu bằng gỗ, tường bằng đất quy mô 3 gian.
Năm 1741 - năm Tân Dậu, triều Hậu Lê, nước Đại Việt, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ hai: nhà thờ được trùng tu mở rộng thêm 2 chái thành 3 gian 2 chái, nguyên liệu bằng gỗ lợp lá cọ, xung quanh tường bằng đất.
Năm 1804: Gia Long năm thứ 3: Nhà thờ được di chuyển từ Động Ngọc đến làng Gạo (xóm Đình - khu 2  ngày nay).
Năm 1897: năm Thành Thái thứ 9: Nhà thờ được trùng tu, cải tạo từ 3 gian 2 chái thành 5 gian 2 chái như hiện nay.
Năm 1946: nhà thờ được đại tu, sửa chữa, thay thế một số cột, xà bị hỏng.
Năm 2000: Nhà thờ được trùng tu sửa chữa những phần hư hỏng; Toàn bộ phần gỗ được sơn phủ màu đỏ theo kỹ thuật truyền thống .
Như vậy, nhà thờ họ Lê Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê (năm 1470), trải qua nhiều lần tu sửa và một lần chuyển vị trí, đến nay giữ nguyên hiện trạng trạng quy mô, kiến trúc 5 gian 2 chái như hiện nay tại khu 2, xã Tử Đà, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
3. Kiến trúc di tích
Di tích nhà thờ họ Lê Đình, xã Tử Đà, huyện Phù Ninh thuộc địa phận khu 2, xã Tử Đà. Phía trước nhà thờ họ là khoảng sân rộng rãi, lát gạch bát sạch sẽ. Bước lên 3 bậc giật cấp, mỗi bậc cao 0,06m là vào kiến trúc chính của nhà thờ họ.    
Nhà thờ họ Lê Đình có kiến trúc chữ Nhất ( - ) gồm một tòa 5 gian, 2 chái; tường xây bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, 
Bộ khung gỗ gồm 4 hàng chân cột, có tất cả 16 cột gỗ. Bộ vì làm kiểu “thượng giá chiêng, chồng rường - hạ bảy”, với các bộ vì nách kiểu “chồng rường”. Trên các thức kiến trúc gỗ như bẩy hiên, vì nách của nhà thờ họ có chạm nổi các họa tiết tứ linh, vân mây, dây lá cách điệu… 
Gian giữa của nhà thờ có án gian, bàn thờ là nơi thờ Tiên tổ Lê Đình Khâm, Thượng tổ Lê Đình Ải và ông tổ, bà tổ chi trưởng chi một là Tổ khảo Lê Đình Ấp và Tổ tỷ Hồ Thị Dung. 
Gian bên phải nhìn ra thờ ông tổ và bà tổ chi thứ ba là Lê Đình Trực và bà Trần Thị Khóm. Bàn thờ gian bên phải cũng là nơi thờ bà cô tổ Lê Thị Thật - hiệu Từ Lĩnh, tên thường gọi Lê Thị Nói.
4. Hệ thống cổ vật, di vật, hiện vật trong di tích
Hiện nay di tích nhà thờ họ Lê Kim còn bảo lưu 1 số cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật như: Long ngai, bài vị, cỗ kiệu, mâm ấu, có niên đại thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII), bát hương (thế kỷ XIX) cùng 1 số di vật khác như: Mâm bồng, ống hương, ống hoa, đài nước, mâm xà…  
5. Các ký tiệc lệ trong năm
Ở nhà thờ họ Lê Đình, các hoạt động văn hóa tín ngưỡng diễn ra hàng năm vào các ngày cúng tế và giỗ tổ họ Lê Đình.
- Giỗ tổ ông: được tổ chức chung trong toàn họ vào ngày 19/6 âm lịch hàng năm.
- Giỗ tổ bà: được tổ chức chung trong toàn họ vào ngày 08/2 âm lịch hàng năm.
- Cúng chạp họ vào ngày 13 tháng Chạp (còn gọi là Lạt Tiết).
- Ngày Tết Nguyên đán: Chi trưởng: ngày mùng một, chi thứ hai ngày mùng hai, chi thứ ba ngày mùng ba.
Cách thức tổ chức: các chi giao cho các gia đình trong chi của mình làm cỗ mặn, đem đến nhà thờ họ cúng lễ Tết tổ và ăn uống theo chi tại nhà thờ họ. Ba ông trưởng chi trực tiếp cúng theo bàn thờ của mỗi chi.
6. Về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích
Di tích nhà thờ họ là một công trình kiến trúc chung của một dòng họ, phổ biến trong các làng xã cổ truyền ở nước ta. Giống như những nhà thờ họ khác, nhà thờ họ Lê Đình là nơi tưởng niệm, thờ cúng tổ tiên nên nội dung thờ cúng gắn liền với sự sinh tồn và phát triển của dòng họ. Họ Lê Đình là một dòng họ lớn có lịch sử tạo dựng lâu đời, có nhiều đóng góp vào sự hình thành, phát triển và truyền thống văn hóa tốt đẹp của làng quê Tử Đà.
Quá trình xây dựng, phát triển dòng họ Lê Đình đến nay trong xã đã có trên 300 hộ với trên 1000 nhân khẩu. Qua việc giáo dục truyền thống, phép tắc gia phong, gia tộc đã góp phần quan trọng cùng với các dòng họ khác xây dựng truyền thống văn hóa ở làng, xã lành mạnh, tiến bộ, đấu tranh giảm bớt tiêu cực trong xã hội.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, dòng họ tích cực tham gia kháng chiến với 140 người  trực tiếp tham gia tòng quân đánh giặc, trong đó có 9 liệt sỹ và 11 thương binh. Nhà thờ họ cũng là nơi hoạt động cách mạng, là trụ sở của nhiều tổ chức cách mạng qua các thời kỳ lịch sử.
Về giá trị kiến trúc thẩm mỹ, nhà thờ họ Lê Đình là di tích với kiến trúc trang nhã nhưng chứa đựng đầy đủ những giá trị của một di tích tôn giáo tín ngưỡng cổ truyền. Các bộ phận trong tổng thể kiến trúc hài hoà, hợp lý, tôn đẩy lẫn nhau. Kết cấu và các trang trí trên kiến trúc mang đậm dấu ấn thời kỳ khởi dựng làm tăng thêm vẻ cổ kính cho di tích có niên đại thời Hậu Lê - thế kỷ thứ XVIII.