day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Đình Xuân Hưng, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ

Đình Xuân Hưng được xây dựng tại thôn Xuân Hưng, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Di tích được UBND tỉnh Phú Thọ xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 453/QĐ-UBND ngày 27/2/2009.

1. Lịch sử vị thần được thờ

Theo bản thần tích - thần sắc của thôn Xuân Hưng hiện lưu tại Viện nghiên cứu Hán nôm (ký hiệu: TTTS 14512) thì đình Xuân Hưng thờ 6 anh em họ Sơn thời nhà Hùng, các thần có tên là: 
- Sơn Nang đại vương.
- Sơn Dịch đại vương.
- Sơn Quang đại vương.
- Sơn Lãng đại vương.
- Sơn Diễn đại vương.
- Sơn Tía đại vương.
Đó là 6 vị tướng tài thời Hùng Vương, đã có công dẫn dân đi khai phá vùng đất mới, lập ấp, lập làng, dạy dân biết làm nhà, nuôi thú, săn bắn, trồng trọt,... 
Trong khuôn viên di tích còn một ngôi miếu nhỏ thờ thành hoàng làng. Thành hoàng vốn là viên quan cơ mật - thường gọi là quan lớn cơ, húy là Nguyễn Văn Tiến, gốc thuộc dòng họ ba ngành ở Xuân Lũng - là người đã đưa dân ở Xuân Lũng lên định cư, lập làng ở thị trấn Phong Châu vào cuối thế kỷ XIX. 

2. Lịch sử xây dựng

Theo truyền ngôn thì: khi theo quan lớn cơ lên lập làng vào cuối thế kỷ XIX, cùng với sự giúp đỡ của dân làng Lỗ Trì, dân Xuân Hưng dựng ngôi đình nhỏ bằng tranh tre nứa lá để làm nơi sinh hoạt tâm linh. Sau đời sống ổn định, dân làm lại đình, tường xây bằng đá ong, mái lợp ngói mũi. 
Trong thời kỳ kháng chiến, đình bị tàn phá nặng, hiện vật bị ly tán. Năm 2000, nhân dân cùng chung sức tu bổ lại và bổ sung thêm đồ thờ tự.  
Năm 2022 được sự cho phép của các cấp chính quyền, cộng đồng địa phương đã đóng góp công sức, tiền của tu bổ, tôn tạo ngôi đình khang trang, vững chắc như hiện nay.

3. Về kiến trúc di tích đình Xuân Hưng

Mặt bằng tổng thể di tích đình Xuân Hưng có nghi môn, Tòa đại đình và Nhà Tạo soạn.
Nghi môn được xây dựng với hình thức kiểu tứ trụ lồng đèn, khoảng cách giữa hai trụ chính: 3.6m, khoảng cách giữa hai trụ phụ: 2,0m. Trụ chính cao 6.0m, trụ phụ cao 4.425m, lõi bằng bê tông cốt thép, xây bao gạch đặc, trát vữa xi măng, hoa văn, con giống đắp bằng vữa truyền thống, đỉnh trụ đặt tứ phượng, con nghê. 
Đại đình có mặt bằng kết cấu kiến trúc theo lối chữ Đinh (J), kích thước: Dài 10,40m, rộng 10,65m, cột, khung vì bằng BTCT, sơn giả gỗ. Tàu mái, thượng lương, hoành, xà làm bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ, mái lợp ngói mũi hài. Tường bao xây gạch chỉ, nền lát gạch bát 300x300mm, mạch chữ công. Chân tảng đắp vữa xi măng sơn giả đá. Tòa Tiền tế 3 gian 2 dĩ, xây kiểu thu hồi bít đốc, bờ nóc hai đầu kìm đắp vân xoắn, chính giữa đắp phù điêu lưỡng long chầu nhật, bộ cửa đi kiểu cửa bức bàn kiểu thượng song, hạ bản. Tòa Hậu cung 2 gian, tường hồi bít đốc, cửa sổ chữ thọ tròn. Trong tòa Hậu cung xây bệ thờ giật cấp để bài trí thờ tự. Trong đình bài trí đơn giản nhưng trang trọng thể hiện lòng thành kính của nhân dân nơi đây với các vị thần được thờ. 
Đình nằm sát đường dân sinh, trước đình có một giếng cổ quanh năm đầy nước, tương truyền đây là giếng khi xưa vua Hùng cùng quần thần đi săn đã dùng nước để rửa và cho đàn ngựa của mình uống.
Nhà Tạo soạn: Được phục hồi tại vị trí phía trước đình bên trái đình theo mặt bằng truyền thống, đối xứng nhau qua trục thần đạo. Kết cấu kiến trúc theo lối nhà hình chữ Nhất (-), 03 gian, thu hồi bít đốc, kích thước: Dài 7,20m, rộng 4,31m. Bộ khung, vì, hoành đỡ mái bằng BTCT, sơn giả gỗ, tường bao xây gạch đặc, nền lát gạch bát 300x300mm, mạch chữ công. Mái lợp ngói mũi hài gốm nung truyền thống. 

4. Hệ thống di vật, cổ vật trong di tích

Trong di tích đình Xuân Hưng hiện còn bảo lưu 1 số di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, khoa học, kỹ thuật như: Ống quyển, mâm bồng, đài rượu, đài nước, ống hương, bát hương, lư hương gốm da lươn…có niên đại cuối thế kỷ XIX.

5. Các kỳ tiệc lệ tại di tích

Đình Xuân Hưng, thị trấn Phong Châu trong một năm có các kỳ tiệc lệ sau: 
- Mùng 6, mùng 7 tháng Giêng thì cầu tiểu tiệc.
- Mùng 6 tháng 11 âm lịch thì cầu đại tiệc.
Tiệc ngày mùng 6 tháng Giêng là tiệc cầu thọ, cầu đinh ở am Giầm. Lễ là trầu và gà, năm nào được mùa thì mổ lợn. Tục làng “ 49 trình trầu, 50 trình gà”, ngày mùng 2 tháng Giêng, làng ai đến tuổi 49 thì chuẩn bị 6 miếng trầu lễ, tuổi 50 thì chuẩn bị 1 con gà để làm lễ cúng báo và tạ ơn đã được ban thọ. Khi nào nghe tiếng gà trong làng rục rịch gáy sáng, trong đình đánh chiêng báo hiệu, mọi người đặt đồ lễ lên mâm đem nhanh ra am giầm, chờ dân làng lỗ trì mang lễ ra thì 2 làng cũng tế lễ, sau đồ lễ đem về đình trình thánh rồi các quan viên thụ lộc tại đình.      
Tục cúng tế tại am Giầm gắn với truyền thuyết về việc vua Hùng đi săn, qua Lỗ Trì, Xuân Hưng nghỉ chân tại rừng Giầm, vua truyền lệnh hạ cỗ, vua tôi cùng chuyện trò, ăn uống vui vẻ, ăn xong về nghỉ tại vị trí đình Xuân Hưng ngày nay, lấy nước giếng trước đình rửa ráy và cho ngựa uống. Sau dân Xuân Hưng dựng đình thờ tại nơi vua nghỉ, lập am cúng vua tại dộc Giầm, lễ vật cúng tế gồm có gà, 3 gói xôi, 6 bánh uốt (còn gọi là bánh út, bánh ót hay bánh ít) tượng trưng cho 6 cái tù và (dụng cụ của người đi săn) và dọi (được cắt từ giấy tượng trưng cho lưới săn). Tục này nhằm tưởng nhớ lại tích vua cùng các anh em họ Sơn đi săn thú về đến làng thì dừng chân mổ thịt thú săn được và cắm cột treo lưới. 
Sang ngày mùng 7 thì làm lễ rước chủ tế ra đình, nghi thức rước chủ tế được cử hành trang trọng. Sau khi tế lễ ở đình, làng mở hội, trong hội có đánh đu, chọi gà, chơi cờ bỏi, đánh vật. buổi tối có mời các đào ở thôn trinh nữ (xã Bình Bộ) đến hát ca trù. 
Ngày mùng 6, mùng 7 tháng 11 âm lịch làng cầu đại tiệc. Đồ tế gồm 6 cỗ cho 6 vị, mỗi cỗ phải có 2 đĩa thịt và 1 bát mụn (đó là bát gồm tất cả các thứ thịt trộn đều vào nhau, không kể có bao nhiêu miếng). 
Sáng ngày mùng 6, dân rước chủ tế ra đình làm lễ. Lễ vật là lợn do chủ tế chuẩn bị, nếu có điều kiện thì có thể mổ bò, cúng tế rồi chia lộc đều cho dân, ai không đi được gói phần gửi về. Tục truyền sáng mùng 6 rước chủ tế ngoài đoàn rước như thường lệ còn phải có phường chèo đón đường. Tối mùng có 6 hát chèo ở nhà chủ tế. 

6. Giá trị lịch sử,văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích

Đình Xuân Hưng nằm trong hệ thống các di tích thờ vua Hùng trên vùng đất Tổ. Sự ra đời, tồn tại của di tích gắn chặt với quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng làng Xuân Hưng. Từ khi được xây dựng tới nay, đình luôn đóng vai trò là điểm tựa tâm linh của cả cộng đồng.
Trong đình hiện còn lưu giữ được các cổ vật có giá trị khoa học lịch sử như: đài nước, ống hoa, nậm rượu,…các cổ vật đó không chỉ minh chứng cho sự ra đời và tồn tại của di tích, mà còn là nguồn tư liệu giúp chúng ta hiểu thêm về thế giới quan, về óc thẩm mĩ, sáng tạo của con người ở thế kỷ XIX.
Gắn với đình Xuân Hưng là các truyền thuyết về vua Hùng, các ngày tiệc hội, tục hèm, kiêng húy,…đó là những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo không chỉ của người dân nơi đây, mà còn chứa đựng tính đặc trưng của văn hóa vùng đất Tổ - vùng đất cội nguồn.
Cùng với các di tích đền Mẫu Âu Cơ, chùa Phù Lỗ (thôn Phù Lỗ), đình Xuân Hưng (thôn Xuân Hưng) luôn phát huy vai trò xã hội tích cực của mình trong việc gắn kết cộng đồng. Đình là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng. Sự tồn tại của di tích nhắc nhở chúng ta đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” và truyền thống đoàn kết tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.