day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Đình Vĩnh Xá, xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ

Đình Vĩnh Xá được xây dựng tại thôn Vĩnh Xá (khu dân cư số 2), xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Di tích được UND tỉnh Phú Thọ xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 30/01/2019

1. Lịch sử vị thần được thờ

Hạ Giáp là một làng cổ nằm nằm trong vùng lan tỏa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đình thờ Nhị vị đại vương là Cao Sơn và Quý Minh. Đình Vĩnh Xá là một trong những di tích - không gian văn hóa trên vùng đất Tổ Phú Thọ gắn liền với di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”.

2. Lịch sử xây dựng di tích

Tài liệu Hán Nôm “Thần tích - Thần sắc” làng Hạ Giáp, tổng Hạ Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ; niên đại Vĩnh Hựu năm thứ 6 - 1731, đình Vĩnh Xá trước kia có 3 đạo sắc, trong đó, đạo sắc có niên đại sớm nhất “Cảnh Thịnh nhị niên” - Cảnh Thịnh năm thứ 2 -1794.
Theo các cụ cao niên làng Vĩnh Xá kể lại, khoảng những năm 1942 - 1943, đình làng bị xuống cấp và dột nát, năm đó dân làng Vĩnh Xá đã tổ chức trùng tu, tôn tạo lại khang trang hơn. Mọi việc thờ cúng, ăn khao, tổ chức lễ hội truyền thống ... vẫn được diễn ra tại đình làng cho đến sau năm 1964, ngôi đình đã bị hư hỏng hoàn toàn. 
Năm 2008, UBND tỉnh Phú Thọ cho phép nhân dân phục hồi đình Vĩnh Xá, tuy nhiên trong điều kiện kinh tế, kinh phí khó khăn, 4 năm sau, đình Vĩnh Xá mới được phục hồi vào năm Nhâm Thìn - 2012 trên nền móng cũ và khánh thành năm Quý Tỵ - 2013.
Tại đình Vĩnh Xá hiện còn lưu giữ được 06 tảng đá kê chân cột bằng đá xanh có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, hình tứ diện, gia công theo kiểu thức âm dương (vuông - tròn). Trong lịch sử kiến trúc cổ, đến thời Lê (1422 - 1789) mới xuất hiện loại chân tảng kê cột được gia công theo hình thức âm dương. 
Như vậy, trên cơ sở các tài liệu Hán Nôm; cổ vật chất liệu đá và điều tra, khai thác tư liệu hồi cố từ các bậc cao niên thôn Vĩnh Xá, có thể đoán định niên đại tạo dựng tương đối của đình Vĩnh Xá vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đã trải qua nhiều lần tu sửa.

3. Về kiến trúc di tích

Mặt bằng tổng thể đình Vĩnh Xá có các hạng mục kiến trúc: Nghi môn, tòa Đại đình, nhà khách (tạo soạn). 
- Nghi môn được xây dựng theo kiểu dáng truyền thống theo kiểu tứ trụ, mở lối chính giữa, phần tường nối giữa hai trụ chính và trụ phụ đắp hình võ sĩ. 
- Tòa Đại đình: Đại đình đình Vĩnh Xá quay theo hướng Đông Bắc, được tạo dựng ở cốt nền đi qua 5 bậc cấp, mặt bằng kiến trúc theo lối chữ Đinh ( J ), gồm hai tòa: Đại bái và Hậu cung, hệ tường bao xung quanh xây gạch chỉ, quét vôi ve màu ghi sáng. Bộ khung đình bằng bê tông cốt thép kiểu quá giang gối tường, sơn giả gỗ, nền lát gạch gốm, mái lợp ngói Hương Canh. Không gian nội thất bài trí hệ thống đồ thờ, hoành phi, câu đối sơn son, thếp vàng uy nghi, trang nghiêm. 
Tòa Đại bái 3 gian 2 chái, kiểu nhà 4 mái, vuốt đao cong 4 góc mái, phía trước tạo 3 khuông cửa bức bàn và 2 cửa sổ dựng chấn song. Trên tầng mái, bờ nóc đắp “Lưỡng long chầu nhật”. Trong lòng Đại đình, hai bên gian chính giữa đặt bộ Bát bửu, hai gian bên đặt bộ kiệu bát cống, chiêng và trống. 
Tòa Hậu cung 1 gian, kiểu nhà hai mái, tường hồi bít đốc, được làm nối với gian giữa của Đại bái. Nửa trong Hậu cung làm bệ thờ, phía trước đặt đôi Hạc đứng trên Rùa.
- Nhà khách (tạo soạn): 1 tòa, 2 gian, kiểu nhà hai mái, tường hồi bít đốc, bộ khung BTCT, mái lợp ngói Hương Canh, phù hợp với chức năng công trình phụ trợ trong di tích đình Vĩnh Xá.

4. Hệ thống di vật, cổ vật trong di tích

Tại đình Vĩnh Xá hiện còn lưu giữ được 06 tảng đá kê chân cột bằng đá xanh có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, hình tứ diện, gia công theo kiểu thức âm dương (vuông - tròn). Trong lịch sử kiến trúc cổ, đến thời Lê (1422 - 1789) mới xuất hiện loại chân tảng kê cột được gia công theo hình thức âm dương. 
Bàn đá: 01 chiếc, bàn đá dùng để kê chọc tiết lợn vào kỳ tiệc lệ, có niên đại đầu thế kỷ XIX.

5. Các kỳ tiệc lệ trong năm

Năm 2014, lễ hội truyền thống đình Vĩnh Xá được khôi phục trên cơ sở kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Phục dựng lễ hội làng Hạ Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ” thuộc Chương trình sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam do PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam làm chủ nhiệm đề tài. Lễ hội đình lãng Vĩnh Xá được tổ chức hàng năm 2 kỳ tiệc lệ:
- Ngày sinh thần, từ mùng 3 đến mùng 6 tháng Giêng;
- Ngày thần hóa, mùng 6 tháng 11 (âm lịch).
Lễ trên dùng cỗ chay, hoa quả; lễ dưới dùng lợn đen, xôi trắng, bánh chưng, bánh giầy. 
(Lễ lợn đen do khu dân cư có chủ tế nuôi dâng lễ; gạo nếp 150kg do 1 khu dân cư công đức, hai năm một lần, sau chuyển khu dân cư khác).
Nghi lễ: Tổ chức rước kiệu (đám rước đi theo hướng Đông sang hướng Tây tùy vào ngày tốt của năm ấy và đi vòng quang làng Vĩnh Xá); đánh trống khai hội; tế lễ truyền thống; dâng hương hoa.
Phần hội: Tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian: Hát Xoan, cờ tướng, chọi gà, kéo co, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, bắt chạch trong chum... 

6. Giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thẩm mỹ của di tích

Đình Vĩnh Xá cũng như bao ngôi đình ở làng quê đất Việt, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của làng xã thời xưa, là nơi thờ thần Thành hoàng, được sắc phong theo ý nghĩa là thần phù hộ cư dân một làng. Bên cạnh giá trị là linh hồn của làng, ngôi đình còn là nơi hội tụ, cố kết cộng đồng trong làng với những người được sinh ra và lớn lên có cội nguồn ở làng. 
Lễ hội truyền thống đình Vĩnh Xá với mỹ tự của các vị thần được thờ là Cao Sơn, Quý Minh là sự biểu đạt của lớp lớp người dân làng Vĩnh Xá nhớ về cội nguồn tổ tiên; về lòng biết ơn công lao to lớn của các vị thần đã phù hộ, che chở cho quê hương, dòng họ, gia đình no ấm, mùa màng bội thu, dân an vật thịnh và quốc thái dân an. 
Lễ hội truyền thống đình Vĩnh Xá với nghi lễ, trò chơi, diễn xướng dân gian là giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân làng Vĩnh Xá. Với những giá trị riêng vốn có, lễ hội đình Vĩnh Xá, xã Hạ Giáp là một phần quan trọng trong hệ thống lễ hội thờ cúng Hùng Vương, giúp hoàn thiện hơn hệ thống nghi lễ thờ tự, trò chơi dân gian và giá trị tín ngưỡng tâm linh. 
Cùng với giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc, giá trị lịch sử, văn hóa được bảo tồn trong đình Vĩnh Xá, mặc dù chỉ còn 07 cổ vật chất liệu đá do di tích bị hư hỏng, sau hơn 70 năm mới được phục hồi, nhưng cũng là những minh chứng bền vững về lịch sử tạo dựng, tồn tại của di tích trong đời sống cộng đồng dân làng Vĩnh Xá.