day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Hai, 16/12/2024, 12:38 (GMT+7)
Đình Tử Đà được xây dựng tại xóm Đình (khu hành chính số 2), xã Tử Đà, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Đình được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 3134/QĐ-UBND, ngày 15/12/2015. Xưa kia, Tử Đà vốn có tên Nôm là kẻ Thạo, sau đó đổi tên thành kẻ Gạo, làng Gạo. Gạo được người dân coi là thứ quý như ngọc nên làng Gạo được đổi tên thành làng Ngọc. Khi Triệu Đà mang quân xâm lược nước ta, nhân dân làng Ngọc đã đoàn kết một lòng, anh dũng đứng lên giết giặc bảo vệ xóm làng. Làng Ngọc được An Dương Vương trọng thưởng và ban cho cái tên Cự Đà (có nghĩa là chống cự được quân Triệu Đà). Triệu Đà tấn công lần thứ hai, làng bị đốt phá, nhân dân bị tàn sát, Triệu Đà bắt dân đổi tên làng Cự Đà thành Tử Đà (có nghĩa là đánh Triệu Đà nên phải chết). Thời Hậu Lê, làng vẫn có tên là Tử Đà nhưng chữ Tử (nghĩa là chết) được thay bằng chữ Tử (nghĩa là tía) với hàm ý đây là nơi nhuốm máu dân làng bị giặc Triệu tàn sát, song cũng là nơi bất khuất, kiên cường, nơi ngập đỏ máu quân xâm lược.
Đình Tử Đà thờ tứ vị Đại vương thời kỳ Hùng Vương dựng nước, đó là Cao Sơn đại Vương, Ất Sơn đại vương, Viễn Sơn đại vương và Long xà đại vương.
Qua nghiên cứu các tài liệu lịch sử; điều tra, khai thác tư liệu qua các cụ cao niên tại địa phương (Cụ Trần Đức Giới, sinh năm 1927, khu 5, xã Tử Đà; cụ Lê Minh Sở, sinh năm 1937, khu 2, xã Tử Đà; cụ Đỗ Văn Viên sinh năm 1932, khu 1, xã Tử Đà...), cho biết:
Khởi thủy, đình Tử Đà được cộng đồng dân cư tạo lập từ nhiều trăm năm. Từ thế thứ X trở về trở về trước, đình Tử Đà tạo lập bằng tranh tre, nứa lá. Kể từ triều Lý trở đi, nhất là dưới triều đại nhà Lê (thế kỷ XV), cộng đồng dân cư đã xây dựng nơi thờ tự với kiểu kiến trúc chữ Đinh, gồm đại bái 3 gian 2 chái và hậu cung 2 gian, kết cấu bộ khung đình bằng gỗ với 6 hàng chân cột, mái lợp ngói âm.
Trong kháng chiến chống Pháp, do tác động của thời gian, chiến tranh, vào những năm thập kỷ 50 - thế kỷ XX, ngôi đình làng Tử Đà bị hư hỏng hoàn toàn kiến trúc, chỉ còn lại dấu tích nền móng. Đến năm 2013, được sự đồng ý của UND tỉnh, chính quyền và nhân dân địa phương đã phục hồi ngôi đình làng Tử Đà trên vị trí dấu tích nền móng cũ.
Đình được phục hồi tại vị trí nền móng cũ, trong khuôn viên rộng 1.832 m2. Ngôi đình quay theo hướng Đông Nam, kiến trúc chữ Đinh, gồm hai tòa: Đại bái và hậu cung. Bộ khung đình bằng bê tông cốt thép với kết cấu 6 hàng chân cột bê tông tròn, sơn giả gỗ, nền lát gạch bát, mái lợp ngói mũi truyền thống. Trong không gian nội thất bài trí hệ thống đồ thờ, hoành phi, câu đối sơn son, thếp vàng uy nghi, trang trọng.
Tòa đại bái: 3 gian 2 chái, kích thước dài 15,4 m, rộng 8,1 m, mái được làm chồng diêm 2 tầng 8 mái, đao cong; bộ vì kết cấu theo lối “Thượng giá chiêng - hạ bảy”, bờ nóc đắp hình “Lưỡng long chầu nhật”.
+ Tòa hậu cung: 1 gian, 2 chái kích thước dài 9,0m, rộng 7,7m, kiểu nhà hai mái, tường hồi bít đốc. Gian trong cùng tạo thượng cung - khám thờ bài trí long ngai, bài vị của tứ vị đại vương cùng các đồ thờ tự: Ống hương, ống hoa, nến phao, đài nước... Bộ vì hậu cung kết cấu theo lối “Thượng giá chiêng - hạ bảy”.
Nhìn chung, đình Tử Đà được khôi phục trên vị trí nền móng cũ theo mặt bằng kết cấu kiến trúc truyền thống. Ngôi đình vững chãi, bề thế với bộ khung đình chắc khoẻ, đảm bảo yêu cầu giá trị thẩm mỹ công trình kiến trúc tín ngưỡng truyền thống, chức năng thờ tự thành hoàng làng, phù hợp với tư duy tâm linh của người dân Việt.
Địa điểm liên quan đến di tích: Am Nghè
Am Nghè được xây dựng tại khu hành chính số 2, xã Tử Đà, cách đình Tử Đà 800 m về phía Tây. Tương truyền, địa điểm am Nghè là nơi vua Hùng cùng các tướng lĩnh khi đi săn qua làng Tử Đà đã dừng chân nghỉ lại. Tại nơi này, dân làng đã dâng lên vua Hùng và các tướng lĩnh những sản vật của quê hương: Xôi, dưa cải muối và mật mía. Sau này, khi đình Tử Đà được di chuyển từ xóm Ngọc về xóm Đình (giữa thế kỷ XIX), dân làng Tử Đà đã dựng am Nghè để thờ tự tại địa điểm đã gắn liền với truyền thuyết về Vua Hùng với quê hương. Am Nghè được nhân dân trông nom, duy trì đèn nhang vào các kỳ tiệc của đình Tử Đà.
Hiện nay đình Tử Đà còn bảo lưu 02 lá cờ thưởng có niên đại đầu thế kỷ XX cùng hệ thống hiện vật như ngai thờ, mâm bồng, lư hương, ống hương, ống hoa, đài nước, chấp kích, bát bửu…
Xưa kia theo truyền thống, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày mùng 10 tháng Ba, dân làng Tử Đà tổ chức rước kiệu từ đình làng vào Đền Hùng. Đây là hai lá cờ mà dân làng Tử Đà được triều đình phong kiến ban thưởng vào năm Kỷ Mùi - Triều vua Khải Định tứ niên - Năm 1919 và năm Ất Sửu - Triều vua Khải Định thập niên - Năm 1925.
Từ sau những năm 50 thế kỷ XX đến năm 2013, do nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh lịch sử, di tích đình Tử Đà bị hư hỏng nên các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa dân gian bị gián đoạn, không được tổ chức.
Năm 2013, được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, đình Tử Đà đã được phục hồi. Vào các kỳ tiệc lệ ngày mùng 5, 6/Giêng; ngày mùng 10/3 (âm lịch); ngày 19/5 (âm lịch) và ngày 30/10 (âm lịch), chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức dâng hương tại di tích, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và thỏa mãn nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của nhân dân.
Đình Tử Đà thờ các nhân vật lịch sử thời kỳ Hùng Vương dựng nước: Cao Sơn đại vương, Ất Sơn đại vương, Viễn Sơn đại vương và Long xà đại vương. Di tích là một trong 326 di tích thờ cúng các vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Đình Tử Đà là không gian văn hóa thực hành “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nơi gửi gắm tâm linh của đông đảo nhân dân trong vùng; việc thờ phụng các vị thần ở đình làng Tử Đà sâu sắc hơn cả là sự gìn giữ, nối tiếp truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của những người dân nơi đây trong việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của ông cha; đồng thời là kết tinh của giá trị tinh thần từ quá trình lao động, sáng tạo; là biểu trưng cho khát vọng và niềm kiêu hãnh của con người khi chiến thắng thiên tai đã được thiêng hóa.
Đồng thời di tích đình Tử Đà còn là một trong số 27 di tích trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gắn liền với Hát Xoan Phú Thọ - di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tục Hát Xoan nước nghĩa của họ Xoan (Phù Đức) lên hát vào ngày tiệc mùng 5, 6 tháng Giêng tại đình Tử Đà vẫn được ghi lại trong các tài liệu và ký ức dân gian.