day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Tư, 23/10/2024, 12:00 (GMT+7)
Di tích đình Tranh đã được Bộ Văn hóa Thông tin - nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 310/QĐ/BT ngày 13/2/1996.
Đình Tranh theo truyền ngôn để lại được xây dựng từ lâu nhưng không rõ năm xây dựng.
Về niên đại dựng đình: Trên câu đầu bên phải gian giữa tòa đại bái ghi “Tuế Kỷ Sửu nguyệt Quý Dậu Giáp Thân thu Giáp Tý thụ trụ thương lương cát” nghĩa là vào giờ Giáp Tý ngày Nhâm Thân, tháng Quý Dậu, năm Kỷ Sửu dựng câu đầu này. Trên câu đầu bên trái ghi “Hoàng triều vạn tư niên Kỷ Sửu trung hạ trung hoàn nhật khởi công cát” nghĩa là “vào ngày trung tuần tháng 5 năm Kỷ Sửu khởi công xây dựng. Trên câu đầu hậu cung ghi “Hoàng triều Thành Thái nguyên niên bát nguyệt, thập nhất nhật đại tọa đồng lương cát nhật”, nghĩa là ngày 11 tháng 8 năm 1889 sửa chữa lớn.
Như vậy qua những tư liệu này cùng lời kể của các cụ cao niên trong làng và dựa trên kiếu dáng kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đình, đoán định ngôi đình Tranh được xây dựng vào thời Hậu Lê, tu sửa vào thời Nguyễn.
Năm 2023, xuất phát từ thực tế di tích bị xuống cấp trầm trọng, UBND tỉnh Phú Thọ đã cho phép tu sửa cấp thiết. Tu sửa toàn bộ hệ mái, thay đòn tay dui mè bị hư hỏng, lợp lại ngói bằng ngói mũi hài truyền thống, tôn tạo lại thượng cung khám thờ, lát lại nền đình; tróc vữa, trát lại toàn bộ hệ tường, sơn hoàn thiện.
Đình Tranh thờ vị thần húy là Thạch Tràng thời Hùng Duệ Vương đã có công đánh đuổi giặc Thục gìn giữ đất nước.
Mặt bằng tổng thể di tích đình Tranh gồm có: cổng, đình (kiến trúc chữ Đinh gồm hai tòa đại bái và hậu cung). Cổng đình được xây dựng theo lối nghi môn tứ trụ bề thế, hai trụ chính cao 7,70m, đỉnh cột đắp chim phượng quả giành lá lật. Hai bên cổng chính là hai cổng phụ, mái chồng diêm hai tầng 8 mái, 4 đao cong, đỉnh trụ đắp đôi nghê chầu.
Tòa Đại đình mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm: Đại bái 3 gian 2 dĩ, kích thước: 15,84m x 8,65m, bộ khung kết cấu 4 hàng chân cột với tổng số 24 cột (8 cột cái, 16 cột quân) và Hậu cung 3 gian, 2 dĩ, kích thước: 6,50m x 6,20m, nền lát gạch chỉ. Xung quanh xây tường bao vững chắc. Gian giữa tòa Hậu cung tạo thượng cung - khám thờ, lựa ván xung quanh.
Đình có 4 bẩy hiên đều chạm nổi 2 mặt các hình vân mây đao mác, hoa lá cách điệu khá đẹp. Riêng 2 bẩy ở phía trước gian giữa đình được đục chạm một cách cầu kỳ. Nội dung đề tài "Tứ linh" (long - ly - quy - phượng) kết hợp với những con vật và cây hoa lá làm thành điển tích khá sinh động. Toàn bộ các bức cốn nách đình đều không để trơn mà được đục chạm thành các hình vân mây hoa lá chồng gác lên nhau đỡ các đòn tay khiến cho đình thông thoáng, nhẹ nhàng. Nhìn chung hai bức chạm đươc thế hiện khá sinh động, đề tài nội dung phản ánh được những ước vọng của nhân dân ta. Nghệ thuật được chạm tinh vi, điêu luyện sử dụng kỹ thuật đục bong, chạm nổi, đường nét sắc gọn, mềm mại mang phong cách đục chạm thời Hậu Lê. Ở trước cửa hậu cung đình có 2 bức cốn hình tam giác vuông được đục chạm đẹp, lộng lẫy. Hai bức chạm được đục chạm giống nhau. Đề tài "Tứ linh" song hình tượng con rồng ở đây được cách điệu. Trên thượng cung trang trí long - ly - quy - phượng và sơn son thếp vàng, diềm cửa trang trí rồng chầu mặt nguyệt.
Đình Tranh còn lưu giữ được hệ thống cổ vật, di vật phong phú thuộc nhiều thể loại chất liệu khác nhau, như: Sắc phong, kiệu bát cống, long ngai, lư hương gốm Thổ Hà…, thể hiện được ý nghĩa, chức năng của từng loại được thờ, tế lễ, rước sách… Toàn bộ hệ thống cổ vật, di vật đình Tranh có giá trị mỹ thuật cổ dân gian mang đậm phong cách thời Nguyễn.
- Đồ gỗ: Ngai thờ, Kiệu bát cống, Bộ chấp kích, Cây quán tấy, hoành phi, câu đối, ống hương, mâm bồng….
Nội dung bức hoành phi ghi: "Thánh cung vạn tuế"
Nội dung đôi câu đối:
- "Thánh Đức lộ giang thiên cổ khoát
Thần công hùng lĩnh ức niên cao"
- "Đỉnh tân miếu vũ lâu lâu phượng
Trạch động sinh dân thuy chiêm kình".
- Đồ giấy:
+ Cuốn ngọc phả 18 trang ghi bằng chữ Hán. Viết năm Hồng phúc Nguyên niên (năm 1572) do Hàn lâm viện đông các đại học sỹ Nguyên Bính soạn và năm Vinh hựu thứ 6 (1740) Nguyên Hiền sao lại y bản chính.
+ 4 đạo sắc phong:
Đạo sắc thứ 1: Tự Đức lục niên chính nguyệt thập nhất nhật. Tức ngày 11 tháng giêng năm Tự Đức thứ 6 (năm 1853). Sắc Nhượng Bộ thành hoàng chi thần nguyên tặng Bảo an, chinh trực, hựu thiện chi thân.
Đạo sắc thứ 2: Tự Đức tam thập tam niên, thập nhât nguyệt nhị thập tử nhật. Tưc ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (năm 1880).
Đạo sắc thứ 3: Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật. Tức ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (năm 1887).
Đạo sắc thứ 4: Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật. Tức ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (năm 1909).
- Đồ sứ: 2 bát hương thời Nguyễn
- Đồ vải: 23 bộ quần áo rước may bằng vải nỉ thêu rồng phượng.
Đình Tranh là một trong những di tích văn hóa đặc sắc, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc gỗ truyền thống ở vùng đất tổ Hùng Vương, Phú Thọ. Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở Đình Tranh mang đậm dấu ấn nghệ thuật dân gian với các đặc điểm nổi bật từ chủ đề chạm khắc, kỹ thuật chạm khắc và phong cách nghệ thuật. Với giá trị lịch sử, Đình Tranh không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của làng mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, giữ gìn giang sơn bỡ cõi, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp cho con cháu sau này.