day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Đình Nhượng Bộ, xã Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ

Đình Nhượng Bộ (trong) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại quyết định số Quyết định số 141/QĐ-VH ngày 23/1/1997.

1. Lịch sử xây dựng

Về niên đại xây dựng: Trên câu đầu đại đình có ghi “Hoàng triều Duy Tân lục niên quý thu nguyệt, Tân Mùi nhật phạt mộc khởi công cát” có nghĩa là khởi công phạt mộc làm đình vào ngày Tân Mùi, tháng 9 mùa thu năm Duy Tân thứ 6 (1912). Câu đầu bên phải gian giữa đại đình ghi “Tuế thứ Nhâm Tý tuế đông nguyệt đức nhật hoàng đạo kiên trụ thượng lương vượng:, nghĩa là dựng thượng lương vào ngày giờ tốt, ngày tốt tháng 10 mùa đông năm Nhâm Tý (1912). Qua những tư liệu này cho chúng ta thấy ngôi đình được xây dựng vào cuối thời Nguyễn - đầu thế kỷ XX. Những năm gần đây đình làng được tu sửa nhỏ tại một số vị trí xà nóc, dui hoành, đảo ngói…
Năm 2023, xuất phát từ thực tế di tích bị xuống cấp trầm trọng, UBND tỉnh Phú Thọ đã cho phép tu sửa cấp thiết. Tu sửa toàn bộ hệ mái, thay đòn tay dui mè bị hư hỏng, lợp lại ngói bằng ngói mũi hài truyền thống, tôn tạo lại thượng cung khám thờ, lát lại nền đình; tróc vữa, trát lại toàn bộ hệ tường, sơn hoàn thiện. 

2. Vị thần được thờ tại di tích

Đình Nhượng Bộ trong thờ vị thần thời Hùng Duệ Vương húy là “Thạch Tràng”. Ông có công đánh đuổi giặc Thục bảo vệ đất nước. hiện nay đình còn lưu giữ được cuốn ngọc phả viết năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) do Hàn lâm viện đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn. Hoàng triều Vĩnh Hựu lục niên sao lại (1740).

3. Kiến trúc của di tích

Đình Nhượng Bộ (trong) được xây dựng trên 1 khu đất rộng, quay theo hướng Tây - Bắc ( hướng Tây là chính). Mặt bằng tổng thể di tích đình Nhượng Bộ gồm: Nghi môn và tòa Đại đình. Phần cổng chính với 2 cột trụ biểu, phía trên đắp hình phượng. 2 cổng phụ được làm theo kiểu cửa vòm.
Tòa Đại Đình quy mô kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 3 gian đại bái và 2 gian hậu cung. Nền đình được làm cao hơn nền sân 0,15m. Kết cấu bộ khung đình bằng gỗ, mặt bằng 4 hàng chân cột với tổng số cột là 24 chiếc. Bộ khung cửa đại đình được làm theo kiểu bức bàn. Kết cấu vì kèo gian giữa làm theo kiểu “chồng giường, giá chiêng”. 
Đình được trang trí những bức chạm khắc sinh động hình rồng. Chạm bẩy hiên gian giữa đại đình: Phía trước có hai bẩy hiên được đục chạm bong, hình rồng thân uốn khúc. Bên cạnh hình rồng có những hình ly, hình rùa vân xoẳn, đao mác... tạo nên 1 búc chạm khắc mang phong cách thời Nguyễn. Bên cạnh những bức chạm trang trí về kiến trúc ta còn gặp các mảng trang trí trên các bức cửa vòng, cốn mê với hình thức chạm lộng, chạm nổi hình rồng chầu mặt nguyệt. Hai diễm cửa vòng chạm nối hình phượng càm thư, long mã lưng mang yên cương, hình mã đang di động. Bức cốn mê được chạm nổi đề tài "Ngũ long tranh chầu". 

4. Hệ thống hiện vật, di vật, cổ vật tại di tích

- Đồ gỗ: 
+ Kiệu bát cống: dài 3,90m; rộng 2,15m gồm có 8 đòn. Kiệu còn nguyên vẹn sơn thếp vàng lộng lẫy với tay đòn dài, đầu rồng được thể hiện trong thế bay, bờm tóc hình đao mác lượn sóng, miệng há ngậm ngọc. Đây là hiện vật quý của di tích phong cảnh nghệ thuật thời Nguyễn.
+ Ngai thờ: Cao 1,65m ; dài 0,70m ; rộng 0,60m. Cỗ ngai được tạo dáng đẹp, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Tay ngai là 2 hình rồng ngẩng cao đầu, miệng há ngậm ngọc, bởm tóc cong đều bay tỏa ra phía sau. Xung quanh có 6 cột tiện thắt cổ bồng, hình tròn đồng tâm. 6 cột chạm nối hình rồng cuốn quanh cột, đầu rồng dục nổi hẳn ra ngoài . Đế ngai được trang trí theo từng băng ô chạy ngang, chạm nối, đục thủng những hình hổ phù càm chữ Thọ, hình phượng, cánh sen, hình cánh sen dẹo, hoa cúc, hình lân.... Trong ngai đặt mục dục không ghi mỹ hiệu vị thần. Ngai có mũ, cánh chuồn trang trí đẹp ( Nghệ thuật thời Nguyễn, đầu thế kỷ 20)
+ Bộ Chấp kính: Gồm 15 chiếc trong đó có 10 phủ việt, 1 trùi, 2 kiếm, 2 bảng hiệu có kích thước dài 2,00m. Tất cả đều được sơn son thếp vàng và tạo dáng đẹp. 
+ Câu đối:
 "Ư hư tiền vương báo thế bất năng vong thân hiền lạc lợi
Phàm quyết thứ dân duy hoàng tích tri phú quí thọ khang"
Tạm dịch:
Này này vua trước, bảo cho đời không thể mất đi, thân hiền vui được lợi
Mọi việc đều do dân, chỉ có điều chứa đựng giầu, sang, dài lâu, khỏe mạnh.
"Nhất lục sinh thành chiêm thủy đức
Lưỡng tham hóa dục diệu thành công"
Tạm dịch:
Một lòng tưởng nhớ công sinh ra, nuôi nấng trưởng thành đó là công đức ban đầu.
Hai lần dự vào việc thay đổi, đều rất thành công.
"Công duy cao dữ lịch tản nhạc hùng tịnh tự
Đức kỳ thịnh hợp lô lư đào nhĩ đồng lưu"
Tạm dịch:
Công rất cao có thể ví cùng núi tản, thật là mạnh mẽ vậy
Đức vô cùng hợp với sông Lô, có thể cùng chảy. 
2 bức đại tự:
"Phối thiên kỳ trạch" Tạm dịch: Người sánh với trời
 "Thịnh đức hỹ". Tạm dịch: Đức thịnh vậy.
- Đồ giấy:
+ Ngọc phả: 1 cuốn ngọc phả 25 trang viết năm Hồng Phúc Nguyên niên năm (1572) do Hàn lâm lễ viên đông các đại học sỹ thân Nguyên Bính Phụng soạn. Sao lại năm Vĩnh Hưu thứ 6 (1740 ).
+ Sắc phong: Gồm 1 hòm sắc trong đó có 2 đạo sắc
Sắc phong: Tự Đức tam thập tam niên thập nhất nguyệt nhị thập tứ nhật (ngày 24 tháng 11 năm 1880)
Sắc phong niên hiệu: Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ thất nhật (Ngày 1 tháng 7 năm 1887)

5. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mĩ của di tích

Di tích đình Nhượng Bộ được xây dựng vào thời Nguyễn. Do vậy kiến trúc của ngôi đình làng vẫn giữ được khá nguyên vẹn cùng với những di vật hiện còn lưu giữ trong đình đã tôn giá trị của di tích trở thành 1 di sản văn hóa nước nhà. Về giá trị lịch sử của di tích: Đức thành hoàng thờ ở đình Nhượng Bộ là Thạch Tràng Đại Vương- thời Hùng Duệ Vương. Thạch Tràng là 1 nhân vật trong hệ thống thần thoại Việt Nam, về nguồn gốc dân tộc, về buổi đầu dựng nước và giữ nước. Công tích của ông trong cuộc chiến Hùng - Thục là biểu hiện lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm. Đặc biệt làng Nhượng Bộ là nơi ghi lại dấu thiêng của vị thần Thạch Tràng trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hưởng đất nước.