day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Hai, 16/12/2024, 12:55 (GMT+7)
Đình Long Châu được xây dựng ở làng Long Châu, xã Vĩnh Phú (nay là xã Bình Phú), huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Đình Long Châu được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 2605/QĐ-UBND ngày 24/8/2010. Xã Vĩnh Phú trước đây có 3 làng: làng Tranh trong, Tranh ngoài và làng Long Châu. Long Châu là vùng đất được sinh ra từ lòng sông mẹ. Con sông Lô hiền hòa đi từ miền ngược xuống vùng xuôi mang phù sa bồi thành soi Rạng. Soi đất như hình con rồng uốn mình giữa đôi bờ sông. Bờ bên tả (bên Tứ Yên) xa hơn nên gọi dòng bên đó là sông cái, bờ bên hữu (bên Vĩnh Phú) hẹp nên dòng bên này gọi là sông con. Lâu dần liền một dải sang bên Vĩnh Phú nên gọi đó là đất Long Châu (Châu: có nghĩa là châu thổ). Soi đất lớn dần theo thời gian rồi trở thành cả vùng xóm làng đông đúc.
Đình Long Châu thờ Tản Viên sơn thánh - vị thần núi đứng đầu trong hàng “tứ bất tử” của Việt Nam, cũng là một nhân vật huyền thoại của thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Trong đình còn thờ Lý Nam Đế, mẹ của ngài và Triệu Việt Vương, là những vị đã có công đánh giặc ngoại xâm thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc.
Lịch sử xây dựng và những lần trùng tu của đình Long Châu không được ghi lại trên thư tịch. Dựa vào các di vật, cổ vật, các bức chạm trang trí và lời kể của những người cao tuổi tại địa phương, chúng ta có thể xác định được niên đại xây dựng tương đối của đình Long Châu là vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Ban đầu, đình được làm toàn bộ từ gỗ theo kiến trúc chữ Đinh như ngày nay nhưng có các gian dĩ tạo các góc mái cong cho đình. Mái đình trên lợp ngói âm dương, dưới làm ván lát sàn, chân cột kê trên đá tảng, bốn bề để thông không bít tường làm cửa chỉ lát nền và bưng ván thượng cung. Qua thời gian, nhiều hạng mục bị xuống cấp, nên đình đã nhiều lần được tu sửa nhỏ. Tu sửa lớn vào năm 1992, hệ thống cột, xà được thay mới, bỏ các gian dĩ xây tường bao quanh, ván lát sàn bị dỡ bỏ, nền đình được nâng cao, lát sân và làm tường rào.
Năm 2017 ngôi đình được tu sửa lại, xây dựng thêm nghi môn ; tôn tạo lại nền đình, mái đình, hệ thống sân vườn tường bao.
Đình Long Châu có bố cục mặt bằng hình chữ Đinh ( J ), gồm đại bái 3 gian, dài 10m, rộng 7m; hậu cung 2 gian dài 8m, rộng 6,5m, tổng diện tích đình là 122m2.
Ngôi đình có chiều cao từ nền tới xà nóc (thượng lương) là 5m. Toàn bộ các cột được kê trên chân tảng, nền đình lát gạch bát sạch sẽ. Bộ khung gỗ kết cấu 4 hàng chân cột, các cột còn dấu vết mố dầm sàn. Hai bộ vì nóc gian giữa được làm theo kiểu chồng bồn giá chiêng, các bộ vì nách kết cấu kiểu “Chồng rường - cột trốn”. Hầu như tất cả các cấu kiện gỗ trên bộ khung đình: Rường, kẻ, dép hoành, đầu dư, đầu nghé, con kê... đều được chạm khắc, tạo hình, cách điệu đẹp mắt.
Hậu cung đình gồm 2 gian được nâng hẳn lên cách mặt đất 2,2m, thành gác lửng trang trọng, tạo thượng cung. Thượng cung chia làm 2 phần. Phía ngoài bài trí các đồ thờ: Bát hương, ống hoa, đài nến, đài nước....; phía trong là khám thờ, là nơi thờ thành hoàng, vừa cách biệt thần với người, song lại vừa gần gũi, gắn bó tổ tiên với con cháu. Cửa khám làm theo kiểu cửa bức bàn, trên mỗi cánh cửa lại được chia ra thành từng ô to, nhỏ khác nhau và vẽ sơn thếp vàng trang trí các hình “Long, ly, quy, phượng”.
Nhìn chung, đình Long Châu có qui mô kiến trúc vừa phải, tuy đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ được nhiều yếu tố truyền thống của một ngôi đình Việt.
4. Hệ thống di vật, cổ vật trong di tích
- Cổ vật chất liệu gốm sứ gồm: Nậm rượu (01 chiếc), đĩa men lam (02 chiếc) có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XIX
- Cổ vật chất liệu gỗ:
+ Long ngai (04 cỗ), 3 cỗ ngai trên thượng cung, 1 cỗ để ở dưới. Cả 3 cỗ long ngai đều được chạm trổ, sơn thếp lộng lẫy bằng kỹ thuật chạm thủng, chạm lộng, phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX
+ Quán tẩy được tạo hình long phượng uốn mình trên thân trúc, được tạo tác giữa thế kỷ XIX.
Di vật gồm: Đài nước (03 chiếc), bảng chúc (01 chiếc), đẳng thờ (01 chiếc), tất cả đều có niên đại đầu thế kỷ XX.
Đình làng Long Châu một năm có 3 kỳ tiệc:
- Tiệc ngày mùng 7 tháng giêng: tiệc cầu đinh.
- Tiệc ngày 25 tháng 5 âm lịch: chính tiệc, làng mở hội bơi chải.
- Tiệc ngày mùng 6 tháng 11 âm lịch: kỳ tế lễ tất niên, lễ tạ ơn.
Trong cả 3 kỳ lễ tiệc đều có tế lễ tại đình.
Tiệc ngày mùng 7 tháng Giêng - lễ cầu đinh. Tục nhà nào năm đó sinh con trai thì mùng 7 tháng Giêng năm sau phải đem lễ tới tạ. Đây là kỳ tiệc đầu năm nên làng dựng nêu để trừ tà, trừ tịch đồng thời cầu “nhân khang, vật thịnh” cho làng.
Tiệc ngày 25 tháng 5: đây là kỳ tiệc chính trong năm ở đình làng Long Châu. Lễ vật cúng tế gồm một con lợn đen tuyền đã mổ, làm sạch, để nguyên con gọi là lợn cầu. Ngoài ra, lễ vật còn có chè kho, bánh nẳng, bánh tẻ - những vật phẩm được dâng làm quân lương cho quân Lý Bí khi xưa.
Cách đình Long Châu khoảng 0,6km là ngôi miếu nhỏ thờ Ngọc Hoa công chúa - vợ của Tản Viên. Tục vào ngày tiệc thì đem kiệu rước từ miếu về đình với ý nghĩa đón thánh bà. Sau khi biện đủ lễ vật, đến giờ hoàng đạo, cuộc tế bắt đầu. Sau tế lễ, trong đình mọi người vào làm lễ, ngoài sân tổ chức các trò chơi: chơi đu, cờ người, tổ tôm, kéo co, những năm được mùa còn tổ chức đấu vật. Đồng thời dưới bến chuẩn bị tổ chức đua chải giữa các giáp.
Tiệc ngày mùng 6 tháng 11 âm lịch hàng năm là kỳ tiệc tất niên, làm lễ tạ ơn trời đất, thánh thần đã ban mưa thuận gió hòa, tạo mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh cho xóm làng. Trong kỳ tiệc này ngoài tế còn có lễ “phụ nghinh”. Lễ này xuất phát mang ý nghĩa Tản Viên Sơn thánh đón bố vợ - vua Hùng về ăn Tết. Ngày mùng 6 tháng 11, 4 chiếc chải của 4 giáp được ghép lại làm một, sau khi làm lễ tế tại đình thì bơi sang đình Hùng Lô - đình Hùng Lô thờ vua Hùng - làm lễ mời vua về ngự rồi bơi về đình. Đến 26 tháng chạp lại tiễn vua về.
Gắn với di tích còn có tục nói kiêng các chữ ʺphần, langˮ do vua Lý Nam Đế trước còn gọi là Lý Công Phần nên sau chữ ʺphầnˮ được gọi chệch là ʺphậnˮ; mẹ vua Lý Nam Đế được gọi là ʺLang cảˮ nên chữ ʺlangˮ ở đây phải đọc thành chữ ʺmuốngˮ.
Tục truyền, vua Lý Nam Đế khi chạy về động Khuất Lão do ở đó lâu ngày nhiễm lam chướng nên gần như bị mù cả hai mắt. Vì thế cúng tế phải xướng tên các lễ vật để vua biết.
Ở Long Châu có tục dâng lễ vật là chè kho, bánh tẻ và bánh nẳng, nên cách làm 3 loại lễ vật đó sao cho ngon cũng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được coi là một trong những sản vật của địa phương.
Đình Long Châu thờ Tản Viên Sơn thánh - vị thần núi đứng đầu trong hàng “tứ bất tử” của Việt Nam, cũng là một nhân vật huyền thoại của thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Việc thờ Tản Viên sơn thánh ở đình Long Châu cho thấy ảnh hưởng sâu đậm của tín ngưỡng thờ thần núi ở vùng đất này. Trong đình còn thờ Lý Nam Đế, mẹ của ngài và Triệu Việt Vương, là những vị đã có công đánh giặc ngoại xâm thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc.
Lễ hội đình Long Châu và giá trị văn hóa phi vật thể gắn với đình là những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương. Đình Long Châu cũng là một di tích có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật thời Nguyễn. Những tác phẩm chạm cốn, xà rồng, bảng chúc, quán tẩy, ngai thờ gỗ mà chúng ta được chiêm ngưỡng ở đình là những tác phẩm đem lại cho chúng ta cảm quan về cái đẹp, về óc sáng tạo nghệ thuật, về bàn tay tài hoa của ông cha mà chúng ta cần nâng niu và gìn giữ.
Sự kết hợp giữa giá trị văn hoá tâm linh cùng với lễ hội, truyền thuyết và các giá trị kiến trúc nghệ thuật của đình Long Châu đã tạo nên giá trị lớn của ngôi đình, là lợi thế để đưa di tích thành một trong những nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.