day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Đình, chùa Quan Đài, xã Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ

Đình Quan Đài hay còn gọi là đình Cả - của tổng Hạ Giáp xưa Chùa Quan Đài, tên chữ Quan Đài tự hay còn gọi chùa Trò Cụm di tích đình, chùa Quan Đài, xã Bảo Thanh được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 2150/QĐ-UB ngày 06/10/1998. Mặt bằng tổng thể cụm di tích đình, chùa Quan Đài hiện có: đình Quan Đài (kiến trúc chữ Nhất); chùa Quan Đài (kiến trúc chữ Đinh, gồm hai tòa: Bái đường và chính điện) nhà mẫu và nhà bếp.

1. Lịch sử xây dựng di tích

Đình, Chùa Quan Đài không còn tư liệu ghi lại năm xây dựng. Theo người dân địa phương ở đây, di tích trước kia đã không còn nữa, sau này theo nguyện vọng của nhân dân, đình, chùa Quan Đài đã được xây dựng lại trên khu vực cũ vào năm 1997. 

2. Lịch sử vị thần được thờ

Chùa Quan Đài thờ Phật.
Đình Quan Đài thờ chín vị Đại Vương thời Hùng Vương đã có công giúp nhân dân có công khai hoang, lập cõi, phát triển nông nghiệp gồm: 
1. Nhất vị Cao Sơn
2. Nhất vị Quốc Vương Thiên Lưu đại vương
3. Nhất vị Ả Lự Nam Đê đại vương
4. Nhất vị Đế Vương Lưỡng Vị đại vương.
5. Nhất vị Nhất Thời Đông Hải đại vương
6. Nhất vị Côn Ma Giáo Dung đại vương
7. Nhất vị Thổ Địa đại vương
8. Nhất vị Vĩ Như Mã Lục bộ Đàn Nương đại vương
9. Nhất vị Út Tý Thần Quan đại vương

3. Kiến trúc của di tích

Đình, Chùa Quan Đài được tạo dựng ở địa thế cao, rất đẹp trên đỉnh đồi Chùa thuộc thôn Thanh Thúy, theo hướng Đông Bắc. 
Đình Quan Đài có kiến trúc chữ Nhất, 1 tòa 2 gian thờ dọc, gian giữa xây bệ xi măng tạo thành ban thờ, nơi đặt long ngai và các đồ thờ tự; hệ thống cột xây được làm phía ngoài, phía trong là cột gỗ, bộ vì kèo quá giang gối tường.
Chùa Quan Đài được tôn tạo theo kiểu chữ Đinh, mái lợp ngói Sông Cầu, bộ vì quá giang, tường xây đón mái. Bái đường: 3 gian và Thượng điện 2 gian, xây bệ xi măng giật cấp là nơi bài trí tượng Phật ở gian giữa, 2 gian hai bên tạo cửa vòm và bệ đặt tượng.

4. Hệ thống hiện vật, di vật, cổ vật trong di tích

- Tượng thờ và di vật, cổ vật trong chùa Quan Đài 
+ Lớp thứ nhất : Bộ tượng Tam thế.
+ Lớp thứ hai: Tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn.
+ Lớp thứ Ba: Tượng Ngọc Hoàng.
+ Lớp thứ tư: Tượng Thích Ca sơ sinh - tòa Cửu Long.
Hai gian bên bài trí trên bệ dưới cửa vòm các tượng: Thánh Tăng và Đức Ông; bầy sát tường bên trái bái đường một Pho tượng Thần và bia đá.
Phía bên trái chùa có một mộ tháp xây kiểu mộ tháp 3 tầng, 4 cạnh vuông, đinh hoa sen; đây là nơi diên tịch của một nhà sư đã trông coi chùa trước đây.
Tại tòa bái đường, sát tường bên trái còn bày một pho tượng thần bằng gỗ sơn đen rất đẹp; tượng cao 0m 60; tạo dáng công phu, sống động; đầu đội mũ trụ, có hai rải chấm vai; nét mặt nghiêm trang, chân trần; thân tượng khoác áo dài trùm rủ, chạm khắc trang trí các họa tiết: Mặt hổ phù, vân mây, triện gấm...
Ngoài hệ thống tượng pháp, di tích đình chùa Quan Đài còn lưu giữ được một số các di vật khác
- Di vật, cổ vật trong đình Quan Đài 
Bia đá: được tạo dựng vào năm Minh Mệnh ngũ niên - 1824, ngày 20 tháng 5; trán bia hình mặt nguyệt, khắc hình Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòà sen với nhiều họạ tiết hoa thị xung quanh.
Đồng thời di tích còn bảo lưu 1 số di vật khác có giá trị lịch sử, nghệ thuật như: Long ngai, Ống hoa, Đèn gỗ, Nến phao

5. Các kỳ tiệc lệ trong năm tại di tích

Đình Quan Đài trong một năm có các kỳ tiệc lệ sau: 
- Ngày 3 tháng Giêng là ngày sinh con thánh (cỗ chay, bánh các thứ tiến nộp).
- Ngày 6 tháng Giêng, phong Hoa Bà thần nữ (mổ gà trống trắng, cỗ chay, bánh).
- Ngày 7 tháng Giêng, phong công chúa - Dưỡng Tử ( các xã trong tổng mổ trâu, bò ở chín cung, Thanh Thuý là trưởng tế ở cung ngoài).
- Ngày 15 tháng Giêng, ngày hóa của 2 hoàng tử (cỗ chay, bánh).
- Ngày 16 tháng Giêng, Sơn Thánh và các thần cất quân đánh giặc (cùng xôi, lợn)
- Ngày 12/2 (âm lịch) Sơn Thánh đánh giặc trở về ( mở tiệc yến ở chín cung - giao điệt, đến ngày 15/2 thì dừng).
- Ngày 11/7 (âm lịch) lập ra tả hữu thần cung (là ngày mở yến, múa hát)

6. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mĩ của di tích

Đình, chùa Quan Đài được dựng lên và tồn tại với đầy đủ tính chất của nơi thờ tự, tín ngưỡng tôn giáo và cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng của làng xã, là trung tâm văn hoá của làng xã, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân làng, của khách thập phương các vùng lân cận.
Với tất cả những gì về kiến trúc và các di vật đã và đang được gìn giữ cho đến ngày nay, di tích là biểu hiện của sự đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của, của nhân dân trong xã và khách thập phương, đồng thời nó cũng biểu hiện sự ổn định và phát triển về kinh tế, dân trí của làng xã.
Chùa Quan Đài là một di tích tôn giáo Phật giáo; qua nội dung và hình thức hoạt động ở chùa, giúp chúng ta hiểu được sự phát triển đạo Phật ở địa phương. Tuy số lượng tượng không còn nhiều, nghệ thuật tạo tác tượng tròn đã bị mai một, song về tạo hình tạo dáng các pho tượng chùa Quan Đài vẫn được thể hiện với những đường nét cân đối hài hòa, sống động, thể hiện được hồn tượng và thần tượng
Cụm di tích đình, chùa Quan Đài không chỉ là nơi vãn cảnh, cầu phước ban lộc của du khách gần xa, mà di tích còn gắn liền với những sự kiện lịch sử rất đáng nhớ. Trong thời gian dài từ tháng 5/ 1947 đến tháng 9/ 1949 khu di tích đình, chùa Quan Đài được chọn làm nơi sơ tán của các cơ quan Trung ương như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp; đồng thời địa điểm này còn được chọn làm nơi trụ sở làm việc, cất dấu tài liệu, kho tàng của quân dân ta. Trong thời gian này nhân dân địa phương đã giúp đỡ tạo mọi điều kiện cho bộ đội như cung cấp vật liệu làm nhà cửa, lán trại, đào hầm, tuần tra canh gác…những đóng góp của nhân dân nơi đây đã góp phần cho lịch sử tỉnh Phú Thọ thêm phần vẻ vang trong công cuộc kháng chiến chống giặc của dân tộc ta.