day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Tư, 16/10/2024, 02:00 (GMT+7)
Đình Cả được xây dựng tại thôn Phú Nham, xã Phú Nham, huyện Phù Ninh. Di tích được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 84/QĐ-UB ngày 24/1/1994.
Đình Cả được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ 18 trên gò đất cao. Trải qua thời gian do thiên nhiên và chiến tranh, ngôi đình cũ đã bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1930, đình được xây dựng mới toàn bộ và cơ bản có kiểu dáng kiến trúc như hiện nay.
Đình Cả thờ: Thất vị đức Vua và Nhất vị Đức chúa là những vị người có công giúp Vua Hùng dẹp giặc Thục.
Đình Cả hiện còn cuốn Ngọc Phả “Hùng Duệ Vương triều thần thất vị đại vương” bản chính soạn năm Hồng Đức nguyên niên 1470 do Hàn lâm lễ viên đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn. Đến năm 1735 triều vua Lê Ý Tông (Hoàng triều Vĩnh Hựu lục niên) phụng tả thêm Nhất vị đức chúa.
Đời vua Lê Đại Hành thiên phúc niên khảo phá bách thần kiến kỳ liên hiến gia phong mĩ tự Thất vị đại vương.
Đời vua Trần Thái Tôn khi kinh thành vị vây hãm Trần Quốc Tuấn phụng mạng cầu đảo bách thần các chi thất vị linh ứng pù trì dẹp được giặc. Thái Tôn bèn gia phong mĩ tự.
“Thất vị khả đế vương nghị anh linh sắc chỉ” giao cho Phú Nham trại trùng tu miếu điện. Kể từ đó các triều vua sau đều có sắc phong và nhân dân Phú Nham vẫn truyền nhau thờ khi xây dựng đình Phú Nham thì rước thần hiệu của thất vị về thờ tại đình và hàng năm vẫn sửa sang lễ tiệc vào các ngày sinh thần và hóa thần.
Khởi đầu của di tích là miếu thờ, sau này khi dân làng phát triển thịnh vượng mới xây dựng đình. Vào thời Hậu Lê, kiến trúc đình Cả khá lớn (kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian Đại bái và 3 gian Hậu cung). Bên trái đình là 5 gian Tả mạc chạy dài.
Hiện nay di tích bị hư hỏng nhiều do chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, đình chỉ còn lại 3 gian đại bái cùng 1 số di vật, cổ vật quý như: Ngọc phả, kiệu, ngai thờ, bát hương…
Đình Cả mang kiến trúc thời Nguyễn với kết cấu kiến trúc chữ Nhất gồm 3 gian, kết cấu 4 hàng chân cột, mái lợp ngói sông Cầu, đỉnh mái đắp “Lưỡng long chầu nhật”. Bộ vì kiểu “chồng bồn tứ trụ” đơn giản, hiện nay trên câu đầu gian chính giữa ghi niên đại tu sửa đình vào năm 1930.
Phía trước đình hai bên đốc được xây nối ra phía trước kiểu cánh phong, có đắp 2 cột trụ, trên đỉnh trụ đắp hình quả dành 4 múi.
Tóm lại ngôi đình cổ xưa với quy mô lớn và khang trang đã bị hư hỏng, nay chỉ còn lại tòa đại bái đã được nhân dân tu sửa lại chắc khỏe, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
5. Hệ thống hiện vật, di vật cổ vật trong di tích
Trước kia, đình Cả thờ 7 vị nên có 7 cỗ ngai thờ. Nhất vị đức chúa có 1 cỗ ngai mui luyện và nhiều đồ thờ có giá trị, tuy nhiên do thời gian chiến tranh nên không bảo quản được số hiện vật trên.
Hiện nay, đình Cả còn có một số hiện vật sau:
- Đồ gỗ:
2 cỗ kiệu trong đó có 1 cỗ kiệu bát cống và 1 kiệu văn. Hai cỗ kiệu được trạm rồng và trạm nổi “Long, ly, qui, phượng” theo nghệ thuật chạm khắc gỗ thế kỷ 19.
Ngai thờ: 3 cỗ ngai thờ có kích thước và kiểu dáng giống nhau. Cả 3 cỗ ngai đều không còn bài vị thờ.
- Đồ giấy: 1 cuốn ngọc phả viết bằng chữ Hán bản sao (1735)
Ngày mùng 7/Giêng đến mùng 10/Giêng: Ngày sinh của thần. Vào ngày này tại đình có tổ chức rước kiệu, đấu vật…
Ngày mùng 7/8 đến mùng 10/8: Ngày hóa của thần. Tại đình tổ chức rước kiệu và các trò chơi dân gian như: Đánh đu, leo cây độc mộc, bịt mắt đập niêu, múa lân…
Đình Cả thờ thất vị đại vương là các tướng lĩnh có công giúp Tản Viên Sơn Thánh trong cuộc chiến tranh Hùng Thục. Đình Cả nằm trong hệ thống các di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Trước đây xã Phú Nham có 4 ngôi đình trong đó 2 ngôi đình chung là đình Cả được xây dựng tại vị trí trung tâm của xã. Đình Mùa thuộc xóm Long Điển, còn 2 ngôi đình của 2 thôn. Hiện nay 3 ngôi đình đã bị hư hỏng do thời gian và chiến tranh tàn phá, chỉ còn lại duy nhất đình Cả là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của làng.
Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mĩ của di tích, nơi đây vừa là nơi thờ tự tâm linh của cả làng vừa là nơi giáo dục truyền thống yêu nước và khẳng định sức sống, biểu tượng cội nguồn dân tộc, tự hào về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, tạo sức mạnh cho việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc./.
Trên vùng đất Phú Thọ dày đặc các truyền thuyết huyền thoại về thời kỳ Hùng Vương dựng nước và các dấu tính thời Hùng Vương, đình Cả, xã Phú Nham góp phần minh chứng khẳng định Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam là kho tàng văn hóa dân gian lưu giữ dấu ấn lịch sử về thời đại Hùng Vương.