day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Hai, 16/12/2024, 12:47 (GMT+7)
Đình Bình Bộ được xây dựng tại trung tâm thôn Bình Bộ, xã Bình Bộ (nay là xã Bình Phú), huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Đình Bình Bộ được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 3277/QĐ-UBND ngày 14/10/2009.
Đình Bình Bộ thờ các vua Hùng và tướng lĩnh thời Hùng Vương:
- Ất Sơn
- Viễn Sơn
- Vũ Lâm lân xà đại vương.
Đình Bình Bộ được xây dựng từ thời Hậu Lê, khoảng giữa thế kỷ XVIII và được trùng tu sửa chữa lớn dưới thời Nguyễn vào năm 1929. Di tích được trùng tu lần gần nhất vào năm 2016.
Đình được xây dựng từ cách đây hơn 200 năm, đình vốn được xây dựng bằng gỗ, lá, với kiến trúc chữ Đinh, gồm hai tòa Đại bái (5 gian) và Hậu cung (2 gian). Đến đầu thế kỷ XX đình được tu sửa, xây bằng gạch ngói nung, vữa xây bằng vôi, cát, mật, vỏ sò, vỏ ốc ... với đại bái 3 gian 2 dĩ, hậu cung 2 gian. Trên câu đầu của đình còn ghi lại thời gian trùng tu lớn của đình vào năm Bảo Đại thứ tư - 1929: “ Hoàng triều Bảo Đại tứ niên ...” và “ Tuế thứ Kỷ Tỵ niên tứ nguyệt nhị thập tứ nhật thượng lương đại cát” nghĩa là: “ ngày 24 tháng 4 năm kỷ tỵ (1929) cất nóc”.
Trong kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1950 - 1952, đình bị giặc Pháp tấn công, làm hư hỏng hoàn toàn tòa hậu cung. Năm 1961, đình được xây tường gạch bao quanh, sử dụng làm kho của hợp tác xã.
Năm 2016 được sự đồng ý của UBND tỉnh Phú Thọ ngôi đình đã được đại trùng tu, phục hồi với kiến trúc nguyên gốc - chữ Đinh gồm hai tòa Đại bái và Hậu cung như ngày nay.
Đình Bình Bộ toạ lạc trên khu đất rộng, bằng phẳng thoáng đãng ở trung tâm của làng Bình Bộ, xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh. Đình nhìn về hướng Tây Nam, xung quanh đình là ruộng lúa và đất canh tác hoa màu. đình làm
Đình Bình Bộ được tôn tạo lại với kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm hai tòa Đại bái và Hậu cung. Đại bái 3 gian, 2 chái và tòa Hậu cung 2 gian, 1 chái.
Đại bái gồm 1 tòa, 3 gian 2 chái, được xây dựng theo lối tường hồi bít đốc, với 4 hàng cột gỗ, tất cả các cột gỗ đều được bào trơn đánh bóng chắc khỏe. Trên các chân cột còn dấu vết của các mố dầm sàn. Toàn bộ cột được dựng trên đá kê chân cột kiểu đá phiến được gia công theo thể thức âm dương (vuông - tròn), nền đình lát gạch bát sạch sẽ. Nghệ thuật chạm trổ trang trí với đề tài Tứ linh, hình rồng được tập trung thể hiện trên bảy, đầu dư...Tuy nhiên, một số đầu dư bị mối mọt, chỉ còn phần thân rồng, phần chạm lộng đầu rồng chỉ còn vết tích. Ngoài ra, trên tất cả các kết cấu gỗ trên bộ khung đình như: dép hoành, đầu nghé, con kê...đều được chạm trang trí rồng, mây cụm, hoa lá cách điệu...tạo cho ngôi đình thực sự là tác phẩm kiến trúc, điêu khắc sống động có giá trị.
Tòa Hậu cung được phục hồi năm 2016 với kiến trúc 2 gian 1 chái, kiểu nhà 2 mái, thu hồi, bít đốc. Bộ khung, vì bê tông cốt thép hoàn thiện sơn giả gỗ. Tường xây gạch chỉ, hai bên trổ ô cửa sổ kiểu chữ phúc hình chữ nhật, nan và con kê bê tông cốt thép, quét vôi ve màu vàng thổ. Hệ mái rui, hoành bằng gỗ lim, lợp ngói mũi hài truyền thống. Nền lát gạch gốm 300x300x30, mạch chữ công. Bên trong tạo thượng cung - khám thờ, vách bưng ván gỗ.
Nhìn chung đình Bình Bộ có quy mô vừa phải, di tích mới được tôn lạo lại nên rất vững chắc, đạt yêu cầu chức năng thờ tự, hội họp, phù hợp tư duy của người dân đất việt và thoả mãn những nhu cầu thẩm mỹ của một ngôi đình làng.
* Cổ vật gồm
- 01 Bia đá có niên đại thế kỷ XVIII. (Cảnh Hưng thứ mười bốn - 1753).
- 06 bát bằng sứ có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX.
- 01 mâm bồng chất liệu gỗ có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX.
* Di vật gồm:
- Bia đá khắc 4 chữ: “hậu thần bia ký” (bia ghi lại việc hậu thần). Đây là bia ghi tên công đức của dòng họ Vũ có công hưng công tiền bạc, ruộng đất vào việc tu bổ đình, bia được được tạo dựng vào năm 1922. (Khải Định năm thứ bảy).
- Bát hương hoa văn cách điệu, niên đại đầu thế kỷ XX.
Đình Bình Bộ hàng năm diễn ra các kỳ tiệc lệ sau:
- Ngày mùng 9, mùng 10 tháng Giêng có hội vật, chọi gà, ... đây là ngày tiệc chính trong năm.
- Ngày 22 tháng 5 âm lịch có lễ cầu mùa.
- Ngày mùng 3, mùng 4 tháng 11 âm lịch có tục cầu đinh, rước kiệu, ...
Trong các kỳ lễ hội làng Bình Bộ, một phần không thể thiếu được là hát Ca trù. Hát Ca trù ở Bình Bộ xưa được trình diễn ở cửa đình Trinh Nữ, Bình Bộ. Nay đình Trinh Nữ đã bị hư hỏng, ca trù cũng đã bị mai một nhiều, chỉ còn duy nhất nghệ nhân dân gian, đào nương của phường đào họ Phạm, cụ Phạm Thị Bang (đã mất năm 2013). Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
6. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mĩ của di tích
Đình Bình Bộ, xã Bình Phú huyện Phù Ninh thờ vua Hùng cùng các tướng lĩnh thời Hùng là Ất Sơn, Viễn Sơn, Vũ Lâm đại vương - những vị có công dựng và giữ nước trong buổi đầu mở nước của dân tộc việt nam.
Đình Bình Bộ được xây dựng từ thời hậu Lê, trải qua nhiều lần tu sửa, hiện nay di tích còn bảo lưu được hệ thống cổ vật quý có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học như: Bia đá thế kỷ XVIII; bát sứ, mâm bồng; bát hương sứ…thế kỷ XIX đã minh chứng cho sự tồn tại lâu đời của di tích.
Đình Bình Bộ còn gắn liền với những giá trị văn hoá phi vật thể quý giá đó là không gian lễ hội làng Bình Bộ với tục cầu đinh, rước kiệu, hội vật, chọi gà, ... và hát ca trù vào mỗi dịp lễ hội. Những giá trị văn hoá phi vật thể còn tiềm ẩn trong dân gian cùng với ngôi đình là minh chứng cho một vùng quê giàu truyền thống văn hoá nằm trong hệ thống các di tích văn hoá thời kỳ Hùng Vương dựng nước trên vùng quê đất Tổ.