day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Ba, 10/09/2024, 10:00 (GMT+7)
Đình Hương Cốc được xây dựng tại thôn Nội, làng Hương Cốc (khu hành chính số 8), xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Đình được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 04/04/2018.
Đình Hương Cốc thờ tam vị Đại vương thời kỳ Hùng Vương dựng nước, đó là Cao Sơn, Quý Minh và Uy Linh Lang.
Tài liệu chữ Hán “Thần tích - Thần sắc” làng Hạ Giáp, tổng Hạ Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ; niên đại Vĩnh Hựu năm thứ 6 - 1731 và cũng theo tài liệu chữ Hán này, đình Hương Cốc trước kia có 9 đạo Sắc phong, trong đó, đạo Sắc phong có niên đại sớm nhất “Cảnh Thịnh nhị niên” - Cảnh Thịnh năm thứ 2 -1794. Đồng thời trong di tích hiện lưu giữ được hệ thống cổ vật ở nhiều chất liệu, có giá trị lịch sử, nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX) như: Ngai thờ, lư hương gốm da lươn, đẳng thờ, bảng chúc, mâm bồng, nến phao…
Như vậy, trên cơ sở các tài liệu Hán Nôm, hệ thống cổ vật có thể đoán định niên đại tạo dựng tương đối của đình Hương Cốc vào khoảng cuối thế kỷ XVIII; được trùng tu nhiều lần và lần tu sửa gần đây nhất vào năm 2012 đảm bảo đáp ứng một cách tích cực nhất nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng địa phương.
Đình Hương Cốc được tạo dựng giữa khu dân cư trù phú của làng Hương Cốc. Mặt bằng tổng thể đình Hương Cốc có Nghi môn và tòa Đại đình.
- Nghi môn: Do diện tích và thế đất tôn tạo đình Hương Cốc, nghi môn không nằm trên trục thần đạo mà ở vị trí bên phải ngôi đình (nhìn từ ngoài vào), mở một lối đi theo hướng Đông Bắc. Nghi môn đình Hương Cốc được xây dựng theo kiểu dáng truyền thống với 2 trụ lớn cao 3,60m, hai trụ nhỏ cao 2,50m, trên đỉnh các trụ đắp 4 hình chim phượng nhìn ra 4 phía, chống đuôi vào nhau theo kiểu lá lật.
- Tòa Đại đình: Được tạo dựng ở cốt nền tương đối thấp so với mặt bằng xung quanh, tòa Đại đình nhìn theo hướng Đông Nam, bố cục mặt bằng kiến trúc theo lối chữ Đinh ( J ), kích thước chiều dài 10,80m, rộng 11,00m, gồm hai tòa: Đại bái (kiểu nhà 4 mái) và hậu cung (tường hồi bít đốc). Hệ tường bao xung quanh xây gạch chỉ, quét vôi ve màu vàng thổ, bờ nóc đắp “Lưỡng long chầu nhật”. Bộ khung đình kết cấu cột trốn bằng gỗ xoan để tạo thêm diện tích trong lòng đình, hệ cột tròn BTCT chạy xung quanh hàng hiên đỡ mái đình. Bộ vì nóc gian giữa tòa Đại bái kiểu giá chiêng, các bộ vì còn lại kiểu quá giang gối tường. Chiều cao từ nền lên đến cái nóc 5,10m, nền lát gạch gốm đỏ, mái lợp ngói đất nung.
Đình Hương Cốc lưu giữ được hệ thống cổ vật, di vật có giá trị lịch sử, kỹ, mỹ thuật cổ như: Ngai thờ (Niên đại cuối thế kỷ XIX), kiệu bát cống (niên đại đầu thế kỷ XIX ), lư hương gốm Thổ Hà (Niên đại cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX), lư hương gốm Phù Lãng (Niên đại đầu thế kỷ XIX) cùng 1 số bát đĩa có niên đại cuối thế kỷ XIX.
Hệ thống di vật như: Đôi hoành phi treo bên trên, phía trước hậu cung; Câu đối treo hai bên phía trước Hậu cung có niên đại cuối thế kỷ XIX, cùng các di vật khác như hòm sắc, ống hương, ống hoa, nến phao, đài nước,mâm xà, mâm bồng, mũ thờ, hia thờ... có niên đại đầu thế kỷ XX.
- Ngày mồng 3 tháng Giêng,
- Ngày thần hiện 20 tháng Giêng
- Ngày mồng 10 tháng 11 (âm lịch).
Trong những ngày này chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức dâng hương tại di tích, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và thỏa mãn nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng.
Đặc biệt, kể từ năm Nhâm Thìn - 2012, khi “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dân làng Hương Cốc đã tự nguyện tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng vào ngày mồng 10 tháng Ba cùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương của dân tộc Việt Nam.
Đình Hương Cốc, xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh thờ tam vị Đại vương thời kỳ Hùng Vương dựng nước, đó là Cao Sơn, Quý Minh và Uy Linh Lang. Là không gian thiêng, không gian văn hóa thờ tự, đình Hương Cốc là nơi gửi gắm tâm linh của các thế hệ người dân làng Hương Cốc trong lịch sử sinh tồn, đấu tranh và phát triển. Việc thờ phụng các vị thần ở đình làng Hương Cốc sâu sắc hơn cả là sự gìn giữ, nối tiếp truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của những người dân nơi đây trong việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của ông cha; đồng thời là kết tinh của giá trị tinh thần từ quá trình lao động, sáng tạo; là biểu trưng cho khát vọng và niềm kiêu hãnh của con người khi chiến thắng kẻ thù, bảo vệ quê hương đã được thiêng hóa.
Là một trong hệ thống 345 di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú, đình Hương Cốc là không gian văn hóa thực hành “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hàng năm, dân làng Hương Cốc cũng như các vùng quê trên mọi miền Tổ quốc thực hành nghi lễ truyền thống tại đình làng thể hiện sự nhớ ơn công lao của tổ tiên trong dựng nước và giữ nước, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cầu may mắn, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Những sinh hoạt tín ngưỡng này là sợi dây tình cảm, tinh thần gắn kết gia đình, dòng họ, làng xóm, quốc gia, dân tộc. Những ý nghĩa sâu sắc này vẫn hiển hiện đậm nét và đang được người dân Hương Cốc nói riêng, người dân đất Việt nói chung gìn giữ, kế thừa, phát huy trong đời sống cộng đồng hôm nay.