day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Đền Tố, xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ

Đền Tố từ khi xây dựng đến nay được gọi theo tên địa danh của thôn Tố, là 1 trong 3 thôn của xã Trạm Thản. Đền Tố được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 1762/QĐ-UB ngày 22/11/1994.

1. Lịch sử xây dựng của di tích

Qua khảo sát về kiến trúc và nghệ thuật có thể đoán định đền Tố được xây dựng vào thời Hậu Lê, được trùng tu vào thời Nguyễn. Các lần tu sửa, tôn tạo, đền Tố vẫn giữ nguyên được kiến trúc của ngôi đền cũ. 

2. Lịch sử vị thần được thờ tại di tích

Đền Tố thờ hai nhân vật Cao Sơn và Bạch Thạch thời Hùng Vương. 
Cao Sơn cùng tướng Bạch Thạch đã có công giúp vua Hùng chỉ đạo cánh quân chống lại quân Thục từ Tuyên Quang tiến xuống. Trên đường tiến đánh quân Thục, tới Sơn Tây tỉnh, Phù Ninh huyện, Thái Bình xã thấy nơi đây sơn thủy hữu tình, núi non hiểm trở, ông bèn dừng chân nghỉ lại thiết lập đền sở để đối phó với quân Thục. Nhân dân quanh vùng và các phụ lão đều đến bái tạ và xin làm thần tử. Cao Sơn nhận lời giết trâu bò cáo tế trời đất khao thưởng quân sĩ rồi tiến đánh quân Thục. Quân Thục đại bại, Vua Hùng triệu về triều Vua ban thưởng “Cao Sơn hiển ứng đại vương” và cho giữ vùng Ái Châu muôn dân thuần phục. Cao Sơn và Bạch Thạch xin về nơi xưa là đồn sở mở tiệc khao dân và tặng cho 5 hốt bạc để làm vốn nông nghiệp và sau này dựng nơi đèn hương thờ phụng. Vua Hùng cùng Tản Viên triệu các tướng lĩnh đến yết kiến, Cao Sơn cùng Tản Viên khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán. Tản Viên tâu vua Hùng rằng: Cơ đồ Vua Hùng trải qua 18 đời sách trời đã có hạn và lại Thục vương cũng là tông phái họ Hùng. Bầy tôi có phép long liên tiến hóa muốn cùng vua thoát khỏi trần ai, không nên luyến tiếc cõi trần nam làm gì nữa” (Theo Ngọc Phả). Vua nghe lời bèn nhường ngôi cho Thục Phán và hóa. Từ đó dân làng lập miếu thờ muôn đời cúng tế, hương khói và được linh ứng. 
Đền Tố còn thờ 2 vị nữ tướng có công phù tá Hai Bà Trưng trong cuộc khởi nghĩa chống lại quân nhà Hán. 

3. Kiến trúc của di tích

Đền Tố được xây dựng trên vị thế đẹp, thoáng đãng ở trung tâm của thôn Tố. 
Đền Tố được xây dựng theo kiểu chữ Nhất 3 gian thờ dọc. Các bức trạm ở đền thể hiện trình độ thẩm mĩ cao như: Bức cốn nách, bẩy hiên với đề tài rồng mây, hoa lá cách điệu, kĩ thuật trạm lộng. Đây là ngôi đền duy nhất còn giữ được nguyên vẹn nghệ thuật điêu khắc gỗ thế kỷ 17 - 18.

4. Hệ thống hiện vật, di vật cổ vật trong di tích

Đền Tố còn lưu giữ một số cổ vật có giá trị nghệ thuật dân gian.
- Đồ gỗ: 4 cỗ ngai thờ: Ngai Cao Sơn đại vương, ngai thờ Bạch Thạch, ngai thờ Tô Liệu đại vương, ngai thờ Ả mị Nguyệt Dung. 
Kiệu bát cống: Cỗ kiệu mang đặc trưng điêu khắc thế kỷ 17, 18 với hình tượng rồng được trạm khắc kỹ lưỡng và những chi tiết trang trí tỉ mỉ, công phu. 
- Đồ giấy: Đền Tố hiện còn lưu giữ được 9 đạo sắc phong triều Nguyễn phong cho vị thần được thờ là Cao Sơn và Bạch Thạch gồm sắc phong các đời vua: Tự Đức, Đồng Khánh, Gia Long, Thiệu Trị, Duy Tân. 

5. Các kỳ tiệc lệ chính trong năm

Ngày 15/3 ngày sinh của thần: Tiệc mở 3 ngày 14, 15, 16. 
Ngày 24/11 ngày hóa của thần. 
Ngoài ra còn có các ngày tiệc xuân thu nhị kỳ. Ngày tiệc có rước kiệu về nhà ông thủ sắc rước ra đình, đền làm lễ sau đó lại rước về. 
Ngày hội có các trò đánh vật, phết, bắn nỏ thể hiện tinh thần thượng võ và luyện tập quân lính của Cao Sơn. 
Ngày tiệc cúng bằng lợn sống. Làng chia làm 5 giáp. Lợn được nuôi cẩn thận, đến ngày tiệc được thả ra cả 5 giáp đều đuổi bắt. Giáp nào bắt được thì làm lễ tế sống. 

6. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mĩ của di tích

Đền Tố nằm trong hệ thống di tích lịch sử thời Hùng Vương và các tướng lính thời Hùng Vương. Việc phụng thờ các vua Hùng và các tướng lĩnh biểu hiện giá trị xã hội của cộng đồng, trở thành nét đặc biệt của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Mỗi làng quê ở tỉnh Phú Thọ thờ cúng Vua Hùng và tướng lĩnh thời Hùng Vương, trong tiềm thức nhân dân đều coi đó là những vị thánh của làng, vừa gần gũi vừa thiêng liêng; là sợi dây thiêng liêng gắn kết mọi thành viên của làng, chứng kiến sự thay đổi của dân làng, giúp dân làng vượt qua khó khăn. Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẫm mĩ của di tích, đền Tố sẽ mãi là nơi linh thiêng, nơi nhân dân gửi gắm niềm tin, ước vọng về cuộc sống ấm no muôn đời.