day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Hai, 16/12/2024, 12:58 (GMT+7)
Đền Nhà Bà thuộc tổng Hạ Giáp huyện Phù Ninh phủ Lâm Thao xưa nay là Xóm núi xã Tiên Du huyện Phù Ninh. Di tích được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 1315/QĐ-UB ngày 9/8/1999.
Đền nằm trong quần thể di tích tín ngưỡng gồm có đền Nhà Bà, đình Tối Linh và chùa Thái Bình. Đền thờ hai công chúa con vua Hùng Vương thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa với mong cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Tương truyền, trước đây hai nàng công chúa đã đến vùng quê này vừa để du xuân, vừa dạy nhân dân săn bắn, hái lượm và trồng cây... nên mảnh đất này được gọi là Tiên Du. Do đó, để tưởng nhớ công đức của 2 công chúa, nhân dân xã Tiên Du đã lập đền thờ 2 bà và duy trì lễ hội truyền thống của địa phương.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại đền Nhà Bà xưa kia chỉ là một ngôi miếu nhỏ gọi là miếu Dui, tọa lạc trên một quả gò cao xóm Núi nay thuộc khu 1, xã Tiên Du. Sau nhiều lần tu sửa, tôn tạo, miếu Dui đổi thành đền Mẫu, hay đền Nhà Bà. Được xây dựng từ rất lâu, đến năm Bảo Đại thứ 13, tức năm 1938 đền được nhân dân trùng tu sửa lại theo kiểu chữ Đinh gồm 2 tòa Tiền tế và Hậu Cung. Trải qua nhiều năm thăng trầm của lịch sử, ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 2013, đền đã được trùng tu lại giữ nguyên kiến trúc như ngày nay.
Theo các tài liệu để lại Đền dựng trên gờ nền cao, từ sân lên đền có xây bậc lên xuống ở giữa. Giữa bậc có xây một bệ thờ trên bệ có đặt một pho tượng tiên nữ phía trước tượng có đặt một nồi nhang nhỏ. Hai bên đầu bệ là hai đường lên xuống có chắn tay vịn. Hai đầu bậc thềm có xây 2 cột vuông cao, trên đầu cột có đắp 4 con phượng ép bụng vào nhau đầu ngẩng quay xuôi.
Đến nay, ngôi đền còn bảo lưu được hoàn toàn những nét kiến trúc cổ thời Nguyễn. Lối lên đền có 9 bậc, là đến tòa tiền tế. Tiền tế có 3 gian, kiểu nhà 4 mái đao cong, mái lợp ngói ống, gian giữa đặt hai long ngai xung quanh long ngai có đặt đồ khí tế như đài, cây sáp, ống nhang, mâm bồng…Hai bên gian tường hậu có đắp hai tượng phật bà tựa vào tường. Trên sà gian giữa có treo bức hoành phi “Ẩm hà tư nguyên” (Uống nước nhớ nguồn), các cột có treo 4 câu đối.
Hậu cung có xây bệ giật cấp, bài trí long ngai và các đồ thờ tự; cấp trên cùng có đặt một long ngai.
Đền Nhà Bà còn lưu giữ được rất nhiều di vật, cổ vật, hiện vật có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Trong đó, đền còn giữ được 9 sắc phong, phần lớn thuộc triều đại nhà Nguyễn, pho tượng cô chìm trong tường, phù điêu cổ...
Hàng năm đền Nhà Bà duy trì các kỳ tiệc lệ sau:
- Kỳ tiệc chính vào ngày 9/2 âm lịch
- Kỳ tiệc ngày 3 tháng giêng - tiệc lợn thờ,
- Kỳ tiệc ngày 2 tháng 11 - tiệc xôi mới,
Tiệc làng ngày 9/2 được chuẩn bị từ tối hôm trước đến sáng hôm sau, tổ chức trong 7 ngày có sự tham gia của 6 làng ân nghĩa: Làng Bạch Lưu- Nha Môn- Hạ Giáp- Trị Quận- Thiềm Cung đưa kiệu sang rước cùng. Sau phần tế lễ tại đền diễn ra phần hội. Trước cửa đền có hát ca trù, múa con hoa (12 người con gái nữ chưa chồng, đẹp). Ngoài sân đền dân làng nô nức phấn khởi tham gia các trò chơi: Đu tiên, cờ người, cờ tướng, tổ tôm điếm… Đặc trưng của lễ hội làng Tiên Du là trò bắt trạch trong chum. Chum giành cho trò chơi này là một chiếc chum to cao khoảng ngang thân người, một đôi nam thanh nữ tú tiêu biểu của làng được chọn từ trước trong trang phục chỉnh tề, một tay quàng vào vai nhau, một tay bắt trạch vừa đùa nghịch nhau vừa hát huê tình. Bên cạnh các hoạt động vui chơi khác như: đu tiên, cờ tướng, cờ người, tổ tôm điếm thì trò bắt chạc trong chum của một đôi nam nữ vừa bắt chạc vừa đùa nhau tình tứ thể hiện niềm ý niệm phồn thực, xuất phát từ quan niệm âm dương: trai là dương, gái là âm. Sự kết hợp âm dương luôn mang lại những điều may mắn, mưa thuận gió hoà, cuộc sống no đủ. Đôi trai gái đó nếu bắt được chạc thì năm đó là một năm may mắn thuận lợi. Theo như dân làng kể lại ngày xưa đôi trai gái một tay bắt trạch còn tay kia của người nam sờ vào ngực của người nữ.
Đền Nhà Bà một trong những di tích lịch sử đặc sắc của huyện Phù Ninh. Lễ hội Đền Nhà Bà cũng được tổ chức hàng năm một cách trang trọng và thành kính với phần lễ rước và cúng tế để nhớ ơn công đức của hai Bà, đồng thời cầu mong hai Bà công chúa và thần, phật nơi đây phù hộ cho Quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi nhà được yên vui, hạnh phúc. Lễ hội có ý nghĩa lớn trong việc đoàn kết cộng đồng, giáo dục tinh thần thượng võ và đạo lý "uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời có tác dụng tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở theo định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
Cùng với nhiều di sản văn hóa đặc sắc trên địa bàn tỉnh, di tích lịch sử đền Nhà Bà - xã Tiên Du đã minh chứng cho sự tồn tại liền mạch của lịch sử Việt Nam, lịch sử Đất Tổ Hùng Vuơng qua các thời kỳ. Để từ đó, mỗi người con đất Việt ý thức hơn, tự hào hơn về truyền thống hào hùng của các bậc tiền nhân, bồi đắp thêm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng tự hào dân tộc.