day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Ba, 15/10/2024, 02:00 (GMT+7)
Chùa Quang Long được xây dựng tại làng Thản, xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh. Di tích được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 3898/QĐ-UB ngày 28/12/2000.
Chùa Quang Long có từ lâu đời, nhưng do sự tàn phá của chiến tranh chùa đã bị hư hỏng không còn nguyên vẹn. Năm 1987 nhân dân địa phương đã cùng nhau đóng góp công sức, tiền của để xây dựng lại ngôi chùa trên nền móng cũ là nơi thờ tự, nơi gửi gắm tâm linh và có kiến trúc như hiện nay.
Chùa Quang Long nằm bình yên trên một quả đồi cao 200m so với mặt đất. Chùa quay hướng Đông nam, hướng mặt trời mọc. Mặt bằng tổng thể chùa Quang long hiện có: Tam quan, Tam bảo, Nhà mẫu, Nhà Tổ và lầu chuông.
Tam bảo có kiến trúc một toà 3 gian, mái lợp ngói sồng cầu, nền lát gạch bát sạch sẽ. Bên trong thượng điện được xây bệ giật cấp, trên bài trí các pho tượng. Phía bên trái là nhà tổ, bên trong đặt tượng sư tổ - Bồ Đề Đạt Ma.
Bài trí tượng Phật tại chùa Quang Long cũng giống như các ngôi chùa khác, lớp cao nhất trên cùng sát tường, sau đó các lớp bàn thờ thấp dần, cuối cùng là nơi đặt bát hương, hương án thờ.
Thượng điện gồm 9 pho tượng, gian trái ban thờ thượng điện là tượng Đức Ông, gian phải thượng điện là tượng Thánh Hiền. Hai bên ban thờ thượng điện là hai câu đối:
"Tích nhật thiền môn tam qui tự Kim niên kính vọng ngũ giói âm"
Hiện nay chùa Quang Long có 18 pho tượng, 10 pho tượng cũ, 8 pho tượng mới.
Lớp thứ nhất:
Bộ tượng Tam thế được bày đặt trên cùng sát tường, bộ tượng này tượng trưng cho ba đời - Quá khứ - Hiện tại - Tương lai. Cả ba pho tượng này đều có kích thước, hình dáng giống nhau; tượng cao 90cm được tạc ở thế ngồi trên toà sen, bộ tượng cân đối, tóc xoắn ốc, nét mặt đăm chiêu nhìn vào cõi hư vô, vẻ mặt dịu hiền.
Lớp thứ hai:
Tượng A-Di - Đà được bày dưới bộ tượng Tam thế, tượng được tạc bằng gỗ, tượng tạc ở thế ngồi trên đài sen lớn, dáng vóc đẫy đà, cân đối, ngồi thể thiền định, một vị được coi là tồn tại vĩnh hằng, ánh sáng Phật pháp từ ngài toả ra để cứu vớt chúng sinh, không có gì che cản nổi. Tượng tóc xoắn, tai chảy, hai tay đan xen nhau để ngửa trên lòng đùi.
Lớp thứ ba:
Tượng Quan Thế Âm Thiên thủ thiên nhãn tượng được bày ở lớp thứ ba, tượng được tạc theo dáng người phụ nữ ngồi trên đài sen, tượng mang tính từ bi còn được coi là thần gắn với biển cả luôn giúp đỡ thương thuyền, ngư thuyền. Tượng có khuôn mặt bầu nhân từ, phúc hậu, tai to chảy, sống mũi thẳng, miệng hơi mỉm cười, mắt nhìn xuống, đầu đội mũ trang trí mặt nguyệt, hai tay trên niệm chầu trước ngực, hai bên mỗi bên có 5 cánh tay dài, ngắn khác nhau. Các ngón tay được tỉa công phu, tỷ mỷ thành những ngón tay thon nhỏ, mềm mại hình búp măng. Toàn thân được thếp vàng rực rỡ, đây là pho tượng đẹp, đánh dấu sự tài hoa khéo léo của các nghệ nhân tạc tượng.
Lớp thứ tư:
Tượng Thích Ca sơ sinh - Toà Cửu long được bày ở chính giữa, hai bên là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế chí. Toà Cửu long được thể hiện là các đầu rồng phun nước, rồng được tạo dáng mắt lồi, mũi hếch, một đầu rồng lớn nhất ở trên đỉnh, hai bên có 8 đầu rồng nhỏ chầu vào tượng Thích Ca.
Đầu rồng lớn tượng trưng cho đỉnh núi cao mà đạo Phật quan niệm, như vậy cả 9 đầu rồng lớn, nhỏ biểu tượng của 9 cõi sa hà chầu vào đức Thích Ca đứng trên Toà sen. Thích Ca sơ sinh dáng hình tiểu nhi bụ bẫm, một tay giơ cao chỉ lên trời với câu nói " Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn " (tức là trên trời dưới đất chỉ có một mình ta là được tôn thờ hơn cả).
Tượng Quan Thế Âm - Đại Thế chí được bày đứng hai bên tượng Thích Ca sơ sinh tượng cao 1m, được tạc bằng gỗ, mặc áo cà sa có nhiều lóp rủ xuống, đầu đội mũ, mắt nhìn xuống, tai to chảy. Quan Thế Âm tượng trưng cho lòng từ bi, Đại Thế chí tượng trưng cho trí tuệ. Cả hai pho tượng được tạc với dáng người phụ nữ đứng trên đài sen, khuôn mặt hiền hậu thanh thoát.
Tượng Thánh Hiền: Tượng được bày bên phải ban thờ thượng điện, tượng ngồi trên bục gỗ sơn son. Tượng cao 90cm, hai tay đặt ngang ngực, lòng bàn tay úp vào trong, đầu đội mũ thất Phật.Khuôn mặt vuông, bầu, mắt đen, môi đỏ tai chảy, mình mặc áo choàng nhiều lớp, hai chân để xuôi đi hài.
* Tượng Đức Ông: Tượng được bày bên trái ban thờ thượng điện, là thần giữ gìn tài sản của nhà chùa, tượng ngồi trên bục gỗ, cao 90cm tượng thể hiện khá thành công về tính cách. Vì tượng Đức Ông vốn là cấp cô độc, một trưởng giả từ thiện đã cứu giúp nhiều người nghèo khổ. Hình tượng ông được thể hiện như một quan văn mặt đỏ, râu dài, đầu đội mũ cánh chuồn dát vàng, mắt xếch, tai chảy mình khoác áo dài rủ xuống chân bệ, trên áo chấm nổi thếp vàng, đai áo hơi trễ phần bụng, hai tay đặt trên đùi, chân đi hài cong,dáng nghiêm trang.
* Tượng sư tổ - Bồ Đề Đạt ma: Tượng được bày riêng ở nhà tổ, tượng được tạc ngồi trên bệ gỗ cao thể hiện vị sư đầu để trần, một chân co, một chân duỗi, một tay giơ cao, một tay để ngửa trên đùi, mình mặc áo cà sa dài rủ xuống mềm mại.
Với kiến trúc đơn giản, tất cả tượng phật tại đây cho ta thấy sự điêu luyện về nghệ thuật tạc tượng, mỗi pho tượng đều đạt tói mức thẩm mỹ cao từ ngoại hình để phù hợp với nội dung bên trong của từng pho tượng tạo nên vẻ đẹp của ngôi chùa.
Ngoài 18 pho tượng và 2 toà cửu long ra, chùa Quang Long còn lưu giữ một số di vật khác như: 32 viên đá kê chân cột đường kính rộng 0,8m hiện còn tại chùa và nhiều đổ thờ khác.
Chùa Quang Long - xã Trạm Thản nằm trong hệ thống di tích tôn giáo hiện nay của tỉnh Phú Thọ. Chùa có vị trí đẹp thuận lợi về đường giao thông nên thu hút được rất nhiều tín đồ Phật tử và trở thành trung tâm tôn giáo tín ngưỡng của cả làng.
Chùa xây dựng năm 1987 trên nền móng cũ với chức năng thờ Phật. Hệ thống tượng trong chùa tương đối phong phú, tượng được tạc bằng gỗ sơn son thếp vàng, màu sắc hài hoà phù hợp với từng pho tượng, tạo nên vẻ đẹp của khuôn viên chùa.Tất cả đều phục vụ cho công tác nghiên cứu duy trì bản sắc văn hoá dân tộc.
Nơi này còn là địa điểm nuôi dấu sứ uỷ bắc kỳ Lương Khánh Thiện. Vì vậy di tích chùa Quang Long có giá trị về lịch sử, văn hoá nghệ thuật góp phần vào việc giáo dục truyền thống của dân tộc.