day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Hai, 16/12/2024, 01:05 (GMT+7)
Chùa Phúc Bối được xây dựng tại xóm Nội, xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh. Di tích được UBND tỉnh Phú Thọ xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 1236/QĐ-UB ngày 01/11/2007.
Chùa Phúc Bối được xây dựng khoảng thời hậu Lê, đến thời Nguyễn được tu sửa, gia cố nhiều lần. Trải qua hai cuộc kháng chiến, nhất là trong những năm cải cách ruộng đất do nhận thức của nhân dân toàn bộ đình, chùa trong xã đều bị phá hoặc còn giữ lại không nguyên vẹn, chỉ còn lại một số di vật, cổ vật, phế tích, dấu tích chùa cổ. Những năm gần đây nhân dân xóm Nội (xóm Đỉnh Làng) đã góp công, góp của tu bổ, phục hồi trên nền móng cũ ngôi chùa Phúc Bối.
- Chùa Phúc Bối được trùng tu, tôn tạo trên nền móng cũ theo kết cấu kiến trúc chữ Đinh (J) gồm hai tòa Bái đường và Thượng điện; trên khu đất bằng rộng 1512m2.
- Chùa quay theo hướng Đông Bắc, xung quanh là khu dân cư, trước mặt chùa là cánh đồng trồng màu xen canh. Cổng chùa trang trí 4 mái với đôi câu đối ở cổng:
Thiên môn bất cấm cầu duyên khách
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Nghĩa là:
Cửa thiền chẳng cấm khách tới cầu
Trước cảnh vô tâm đừng hỏi Thiền là gì
- Tòa bái đường được làm theo kiểu nhà trồng diêm 2 tầng 8 mái. Mái chùa Phúc Bối được làm kiểu 2 tầng, mỗi tầng 4 mái đao cong, các đường bờ nóc, bờ chảy được đắp nổi rõ ràng chạy dần từ cao xuống thấp. Toàn bộ phần mái được lợp ngói âm dương truyền thống, trang nghiêm cổ kính. Tòa chính điện gồm 3 gian, nền lát gạch bát đỏ. Kết cấu vì kèo cũng được làm kiểu quá giang gối tường đơn giản.
3.1 Tượng thờ:
Chùa Phúc Bối có tổng số 15 pho tượng, trong đó có 10 pho tượng cổ (8 pho tượng gỗ, 2 pho tượng thổ - tượng Thế kỷ XIX), còn lại là tượng mới được công đức trong những năm trở lại đây. Tượng được bố trí ở Tòa chính điện như sau:
- Lớp tượng thứ nhất là Bộ tượng Tam thế. (Tượng có chất liệu gỗ, niên đại khoảng đầu thế kỷ XIX).
- Lớp tượng thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôn gồm tượng Adi Đà ở giữa, tượng Bồ Tát Quan Thế Âm ở bên trái, tượng Bồ Tát Đại Thế Chí ở bên phải. (Bộ tượng có chất liệu gỗ, niên đại thời Nguyễn thế kỷ XIX).
- Gian bên phải giáp tường đặt tượng Đức Ông. Tượng có chất liệu gỗ, niên đại thế kỷ XX.
- Bên cạnh tượng Đức Ông có pho tượng Đường Tăng. (Tượng có chất liệu gỗ, niên đại thế kỷ XX.
- Đối diện hai bên đốc tòa bái đường là tượng Hộ Pháp. (Tượng thổ - có niên đại thế kỷ XX).
Nhìn chung hệ thống tượng phật chùa Phúc Bối khá đẹp, một số pho tượng gỗ cổ thời Nguyễn có giá trị về khoa học, lịch sử, nghệ thuật. Còn lại một số pho tượng mới được tạo tác, song các pho tượng mới đều đáp ứng, kế thừa được những đường nét sắc xảo của tượng truyền thống tạo thành một hệ thống tượng đẹp, hài hòa mang đậm ý nghĩa tâm linh Phật pháp.
3.2 Đồ thờ trong di tích
Hiện nay di tích chùa Phúc Bối còn bảo lưu một số di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật cao:
Đồ gốm: Lư Hương gốm (Nồi hương): 01 chiếc. Chất liệu của nồi hương được tạo bằng đất luyện, kiểu dáng được tạo là hình bầu trên loe, dưới thót, bề ngoài và đáy trong nhẵn mịn. Nồi hương này là một trong những cổ vật có giá trị của chùa Phúc Bối, có niên đại khoảng thời Lý - Trần (Thế kỷ XII-XIV).
Lư hương sành da lươn: 02 chiếc. Cả 2 lư hương này đều có niên đại cuối thời Lê đầu thời Nguyễn (Thế kỷ XVIII- XIX). Mặt trước lư hương được tạo hình lưỡng long chầu nhật, bên dưới có 4 chữ "Thánh cung vạn tuế", tiếp đến là mặt hổ phù càm chữ thọ, bên cạnh là hình ly, phượng, vân, mây. Mặt sau lư hương cũng được trang trí gần giống như mặt trước, khác ở 4 chữ "Thượng đẳng tối linh". Xung quanh lư hương, mặt trước, mặt sau và hai tai lư hương đều được các nghệ nhân tạo ra đầy đủ hình linh vật Long - Ly- Qui - Phượng.
Đồ sứ: 04 Nậm rượu cổ bịt đồng, trang trí hình rồng mây thoắt ẩn, thoắt hiện, có nậm trang trí hình loan phượng. Các nậm này có niên đại khoảng nửa đầu đến giữa thời Nguyễn (Thế kỷ XIX).
Bát sứ men lam: 08 chiếc, trong đó 03 chiếc miệng bịt đồng, 05 chiếc không có bịt đồng. Niên đại khoảng cuối thời Nguyễn (Thế kỷ XIX).
- Ngoài ra ở di tích còn có các di vật, hiện vật gỗ: Hoành phi, câu đối, mâm bồng, ống hương, đài nước… Trong đó có 1 đôi câu đối có nội dung như sau:
Phật đạo thậm thâm mật viên dung khai giác lộ
Pháp âm vi diệu tàng thông tùy hóa độ mê luân
Nghĩa là:
Đạo phật thần bí linh hiển mở đường khai giác lộ
Kinh luân vi diệu ẩn tàng biến hóa độ chúng sinh
Chùa Phúc Bối xã Hạ Giáp huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ là công trình kiến trúc tôn giáo thờ Phật có giá trị về khoa học, lịch sử, văn hóa. Chùa Phúc Bối thờ Phật theo dòng Đại Thừa du nhập vào miền Bắc Việt Nam. Là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của của nhân dân địa phương, nơi mà dân làng gửi gắm niềm tin, hướng con người tới cuộc sống tốt đời đẹp đạo. Chùa Phúc Bối còn bảo lưu được hệ thống cổ vật, di vật, hiện vật có giá trị như: nồi hương (Thế kỷ XII-XIV), lư hương da lươn, các loại nậm, bát sứ có niên đại thế kỷ XVIII-XIX.
Chùa Phúc Bối không những là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân Hạ Giáp mà ngôi chùa còn là nơi hội họp của hội người cao tuổi trong làng, nơi giáo dục truyền thống của con em địa phương, hướng con người cầu mong cho dân làng thịnh vượng, hướng con người đến cuộc sống chân - thiện - mỹ, sống tốt đời đẹp đạo.