day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Chùa Hoàng Long, xã An Đạo, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ

Chùa Hoàng Long, xã An Đạo, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 04/2001/QĐ-BVHTT ngày 19/1/2001.

1. Lịch sử xây dựng

Di tích chùa Hoàng Long được xây dựng riêng biệt trên đồi, tách hẳn với khu dân cư (có tên gọi là đồi Chùa). Nơi đây là vùng đất cổ xưa của kinh đô Phong Châu thời kỳ Hùng Vương, cách trung tâm xã An Đạo 2km về phía Đông Nam của huyện Phù Ninh.
Theo bia ký trên cây hương đá của chùa còn lưu lại thì di tích chùa Hoàng Long được xây dựng vào tháng 2 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 5 thuộc triều vua Lê Dụ Tông 1709. Thời kỳ đầu chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc nghệ thuật đời nhà Lê. Sang thời nhà Nguyễn ngôi chùa trải qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo lại, cho đến ngày nay ngôi chùa vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu - kiến trúc chữ Công gồm 3 tòa Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện.

2. Kiến trúc di tích

Di tích chùa Hoàng Long được xây dựng riêng biệt trên đồi, tách hẳn với khu dân cư (có tên gọi là đồi Chùa). Nơi đây là vùng đất cổ xưa của kinh đô Phong Châu thời kỳ Hùng Vương, cách trung tâm xã An Đạo 2km về phía Đông Nam của huyện Phù Ninh. Mặt bằng tổng thể chùa Hoàng Long hiện có các hạng mục công trình: Tòa tam bảo, tam quan - gác chuông, lầu Quan âm, nhà Tổ, nhà Ban QL di tích, nhà bếp, sân vườn, tường bao.
Tam bảo của chùa Hoàng Long có mặt bằng hình chữ Công, gồm 3 tòa Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Kết cấu bộ khung chịu lực bằng gỗ, nền lát gạch bát, mạch chữ công, mái lợp ngói mũi hài truyền thống. Hệ tường xây bằng gạch đặc, bên ngoài để trần miết mạch, trong trát vữa xi măng truyền thống. 
Tiền đường gồm 5 gian, 4 hàng chân cột, kiểu nhà 2 mái xây thu hồi bít đốc. Các bộ vì nóc đều được làm theo kiểu vì giá chiêng, hai cột cái được nối với nhau bằng câu đầu, trên đó là hai cột trốn đỡ một con rường bụng lợn chế tác liền đấu vuông thót đáy. Từ cột cái nối ra cột hiên và trụ tường hậu là kẻ suốt. Các kẻ nghé được chế tác hoa văn đơn giản nhưng sắc nét tinh tế.
Tòa Thiêu hương là nếp nhà nối tiếp tòa Tiền đường và Thượng điện, gồm 5 gian 4 hàng chân cột, chân tảng làm bằng đá xanh Thanh Hóa. Thiêu hương được dựng ở cốt nền cao 0,5m so với mặt sân. Toàn bộ 4 vì nóc đều được làm thống nhất như ở tiền đường, đó là vì giá chiêng. Đặc biệt con rường bụng lợn được chế tác hoa văn vân mây rất tinh xảo, đường nét thanh mảnh, hài hòa.
Sau cùng là tòa Thượng điện gồm 3 gian, 4 hàng chân cột, chân tảng làm bằng đá xanh Thanh Hóa. Toàn bộ 4 vì nóc của thượng điện cũng được làm kiểu con chồng giá chiêng. Tất cả các cấu kiện gỗ đều được bào trơn đóng bén, chỉ riêng các kẻ nghé là được chạm khắc cầu kỳ tinh vi. 
Gác chuông: Gác chuông có dạng phương đình 2 tầng 8 mái, các góc mái tạo đao cong. Kết cấu bộ khung chịu lực là 12 cột gỗ. Hàng cột hiên phía trước được thiết kế kiểu mạch tường. Trang trí trên kiến trúc gác chuông tương đối đơn giản, các câu đầu, cột trốn, rường bụng lợn, kẻ…đều được bào trơn, bào soi tạo sự nhẹ nhàng, thanh thoát mà chắc chắn. 
Trải qua nhiều thế kỷ ngôi chùa cổ đã bị xuống cấp do thời gian và chiến tranh nhưng hiện tại Gác chuông và Tam bảo vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu, theo đúng nguyên gốc của nó.
Chùa Hoàng Long là một công trình có quy mô không lớn nhưng lại rất có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Trang trí kiến trúc chùa Hoàng Long thiên về hình khối chắc khỏe, các cấu kiện gỗ đều được bào trơn đóng bén, đường nét đơn giản nhưng mạch lạc, duyên dáng, đề tài trang trí chủ yếu là vân mây, lá lật…bằng những nét đục chạm tinh tế, mạch lạc, khỏe khoắn cho di tích.

3. Hệ thống tượng thờ, di vật, cổ vật

Di tích hiện còn lưu giữ được hệ thống tượng thờ có giá trị, mang phong cách nghệ thuật thời Lê, niên đại thế kỷ 16, 17.
Tòa thượng điện bài trí 12 pho tượng, với các lớp tượng được bài trí từ trên xuống dưới gồm: 3 pho Tam thế, tượng phật Adi đà, tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, 2 pho bồ tát, Tượng Quan âm tống tử, tượng Phổ Hiền bồ tát, tượng Văn Thù bồ tát.  
Tòa Thiêu hương bài trí 6 pho tượng gồm: Tượng Ngọc Hoàng, Kim Đồng, Ngọc Nữ, tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, tương Thích Ca sơ sinh - tòa Cửu Long.
Tòa Tiền đường bài trí: Tượng Thánh tăng và 2 vị Thị giả, tượng Đức ông, tượng Trừng Ác, Khuyến Thiện, tượng Tuyết Sơn và tượng Sư Tổ.

4. Các kỳ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại di tích

Chùa Hoàng Long là di tích kiến trúc tôn giáo thờ Phật theo dòng đại thừa ở miền Bắc. Hàng năm tại chùa diễn ra các sinh hoạt tôn giáo truyền thống như: ngày lễ Phật đản (Rằm tháng Tư), lễ Vu lan - Rằm tháng 7, xá tội vong nhân, lễ an cư (thường được tổ chức trong 3 tháng từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7). Ngày rằm và mùng một hàng tháng, nhân dân và Phật tử quanh vùng đều về đây hành lễ.

5. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích

Chùa Hoàng Long là một ngôi chùa cổ, có quy mô không lớn nhưng lại rất có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Trang trí kiến trúc chùa Hoàng Long thiên về hình khối chắc khỏe, các cấu kiện gỗ đều được bào trơn đóng bén, đường nét đơn giản nhưng mạch lạc, duyên dáng, đề tài trang trí chủ yếu là vân mây, lá lật…bằng những nét đục chạm tinh tế, mạch lạc, khỏe khoắn cho di tích. Đặc biệt là hệ thống tượng cổ có giá trị văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật đặc sắc mà rất ít ngôi chùa còn giữ được.
Chùa Hoàng Long là di tích kiến trúc tôn giáo thờ Phật theo dòng Đại thừa ở miền Bắc. Ngôi chùa chính là nơi gắn kết, hòa nhập trong đời sống tâm linh của con người với nhu cầu lễ bái dân gian hướng thiện, cầu mong những điều tốt lành, hướng con người tới cuộc sống tốt đời, đẹp đạo.
Chùa Hoàng Long là một di tích có vai trò quan trọng trong tổng thể các di tích ở tỉnh Phú Thọ nói chung, các di tích huyện Phù Ninh nói riêng. Với cảnh quan thiên nhiên gần gũi, quần thể di tích chùa Hoàng Long rất thuận lợi cho phát triển du lịch, văn hóa tâm linh của địa phương.