(Phù Ninh)-Trong nhiệm kỳ vừa qua, huyện Phù Ninh luôn xác định thực hiện khâu đột phá của nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về đầu tư phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là hướng đi trọng tâm trong phát triển kinh tế của huyện góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020

5 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Phù Ninh phát triển nhanh và bền vững, theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường, ưu tiên các ngành, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế

Huyện Phù Ninh luôn quan tâm, cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và tăng cường các biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, đầu tư, phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; Huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về không gian sản xuất, mặt bằng thuê đất, giải quyết thủ tục hành chính, thuế, đào tạo nghề...; khuyến khích các thành phần kinh tế vào đầu tư sản xuất kinh doanh; bố trí quỹ đất, lựa chọn địa điểm phù hợp để quy hoạch xây dựng, phát triển các khu, cụm công nghiệp. Các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN trong việc hỗ trợ, tư vấn chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình và kịp thời chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay trên địa bàn huyện đã có 2 cụm công nghiệp Tử Đà- An Đạo, Cụm Công nghiệp Đồng Lạng với 36 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, Cụm Công nghiệp Phú Gia quy mô diện tích 40 ha đang triển khai đầu tư hạ tầng thu hút doanh nghiệp. Trong 5 năm qua trên địa bàn huyện đã thu hút 37 dự án mới có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào địa bàn với tổng mức đầu tư 2.860 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện là 331 doanh nghiệp, trong đó có 01 doanh nghiệp Trung ương là Tổng Công ty Giấy Việt Nam, 300 doanh nghiệp ngoài quốc doanh , 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra còn có trên 1.700 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và 06 làng nghề truyền thống. Huyện chú trọng duy trì, phát triển các ngành công nghiệp hiện có, khuyến khích đầu tư có chiều sâu, tăng cường thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, mở rộng sản xuất để giữ vững thị trường, việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. nhờ đó sản xuất CN-TTCN trên địa bàn có bước phát triển tích cực, các sản phẩm sản xuất xuất ngày càng đa dạng, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; một số sản phẩm mới đem lại giá trị kinh tế cao, dây truyền công nghệ sản xuất được đầu tư đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp- TTCN trên địa bàn huyện, Giá trị sản xuất CN-TTCN toàn ngành công nghiệp trên địa bàn huyện ước hết năm 2020 đạt 7.925.811 triệu đồng, Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp – xây dựng ước tăng bình quân 11%; vượt so với mục tiêu của nghị quyết của đại hội.

Một số các sản phẩm thế mạnh của huyện như: Hóa chất, dệt may, chế biến lâm sản, thực phẩm, đồ uống và một số sản phẩm mới như: Vật liệu xây dựng công nghệ cao, cao su, sản phẩm từ nhựa, viên gỗ nén, linh kiện điện tử đạt giá trị cao đạt và vượt so mục tiêu Nghị quyết. Các ngành nghề TTCN khu vực nông thôn phát triển mạnh, góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động... Công tác quản lý nhà nước được quan tâm, thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình các hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, tập trung tháo gỡ từng bước khó khăn cho doanh nghiệp, sơ sở sản xuất CN-TTCN. Khuyến khích các thành phần kinh tế vào đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Một số dự án lớn, trọng điểm quan trọng được đầu tư: Dự án nhà máy xử lý rác thải xã Trạm Thản, đường giao thông từ tỉnh lộ 323E đi khu xử lý rác thải xã Trạm Thản, các tuyến đường tỉnh 323E, 323C, 323H, 323G; địa bàn huyện Phù Ninh có nút giao IC8 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; đã hoàn thành dự án Trạm biến áp 500KV đấu nối Vân Phú Việt Trì…

Trong giai đoạn tiếp theo, Phù Ninh tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng huyện, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào huyện, nhất là đầu tư vào các khu, cụm CN trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và phát triển nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo môi trường sinh thái; chú trọng công tác bồi dưỡng trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, nâng cao tay nghề công nhân trong các doanh nghiệp; đào tạo nghề cho lao động trong khu vực nông thôn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho các sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Việc đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, phấn đấu đưa huyện Phù Ninh phát triển nhanh, bền vững.

