Phù Ninh thêm 10 dự án đầu tư mới trong 6 tháng đầu năm 2019
  • Cập nhật: 17/06/2019
  • Lượt xem: 30969 lượt xem

(Phù Ninh)-Trong 6 tháng đầu năm 2019, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) của huyện Phù Ninh tiếp tục tăng trưởng khá đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

          Giá trị sản xuất CN - TTCN trên địa bàn huyện ước đạt trên 4.360 tỷ đồng, tăng 6,18% so với cùng kỳ năm 2008. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm đã thu hút thêm 10 dự án đăng ký đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ. Với tổng mức đầu tư trên 815 tỷ đồng, trong đó các dự án đầu tư tập trung tại các khu, cụm công nghiệp như: Cụm công nghiệp Tử Đà – An Đạo, Gia Thanh, Đồng Lạng Phù Ninh… trong đó tập trung sản xuất các mặt hàng như: Vật liệu xây dựng, nhựa tổng hợp, vải bạt, dụng cụ thể thao,… Cùng với đó huyện tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn ổn định sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh, trong đó đặc biệt chú trọng các ngành nghề, sản phẩm truyền thống đem lại giá trị kinh tế cao như: Chè các loại đạt trên 110 tấn, tăng 22,22%; Giấy và bìa các loại đạt trên 4.987 tấn, tăng 35%; may mặc đạt trên 2.568 nghìn sản phẩm, tăng 25%; Dăm mảnh đạt trên 98.355 tấn, tăng 20% so cùng kỳ. Tình hình người lao động cũng nhưng các doanh nghiệp sản xuất CN - TTCN trên địa bàn cơ bản ổn định, mức thu nhập của người lao động bình quân đạt từ 5 – 5,5 triệu đồng/người/tháng. Các mặt hàng sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã có sự đa dạng, phong phú về mẫu mã, kiểu dáng và nguyên liệu nên đã thích ứng được với yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên sản xuất CN - TTCN trên địa bàn huyện thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn như: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô đầu tư còn nhỏ lẻ, nguồn vốn hạn hẹp; chưa chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, máy móc thiết bị lạc hậu dẫn tới năng suất thấp, tính cạnh tranh không cao. Nhiều lĩnh vực sản xuất mới dừng lại ở mức độ sơ chế, chưa chế biến sâu nên giá trị sản xuất chưa cao. Bên cạnh đó là trình độ năng lực quản lý cũng như tay nghề người lao động còn thấp,… Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến trên cơ sở những ngành nghề đã có để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với các chương trình, dự án phù hợp với thị trường và vùng nguyên liệu. Tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động, từ đó kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích , tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tập trung phát triển thêm các ngành nghề, nhất là ngành nghề truyền thống có thế mạnh, có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất thu hút nhiều lao động góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2015-2020, nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII đã đề ra.

Trường Sơn- Đài truyền thanh huyện