Tăng cường giám sát, phát hiện sớm và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm cúm A/H5 tại cơ sở y tế và cộng đồng
  • Cập nhật: 28/10/2022
  • Lượt xem: 2851 lượt xem

(Phù Ninh)- Ngày 17/10/2022, theo thông báo của Viện VSDTTW, có 01 trường hợp bệnh nhi, sinh năm 2018 - địa chỉ thường trú ở xã Đông Thành, huyện Thanh Ba - đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi TW và được chẩn đoán xác định nhiễm cúm A/H5. Thực hiện Văn bản số 2910/SYT-NVY&QLHN, ngày 24/10/2022 về việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm cúm A/H5 tại cơ sở y tế và cộng đồng. Để chủ động kiểm soát và phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người trên địa bàn. UBND huyện Phù Ninh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện một số nội dung sau:

1.     Phòng Y tế

- Phối hợp với Trung tâm Y tế cập nhật, năm bắt diễn biến tình hình dịch cúm A/H5 và các dịch bệnh truyền nhiễm trên người. Tham mưu UBND huyện chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch bệnh cúm A/H5 trên địa bàn.

- Phối hợp với phòng Nông nghiệp & PTNN trong quản lý, giám sát và dự phòng việc lây bệnh cúm từ gia cầm sang người. Phát hiện sớm các ca bệnh viêm đường hô hấp có liên quan đến gia cầm để xử lý, khoanh vùng triệt để, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

- Đẩy mạnh hoạt động phối hợp, cung cấp thông tin về hoạt động phòng chống dịch bệnh cúm A/H5 và các bệnh truyền nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Phòng Nông nghiệp& Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với phòng Y tế, Trung tâm Y tế, UBND các xã, thị trấn tăng cường giám sát thường xuyên diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; phát hiện kịp thời các ổ dịch cúm A/H5 để xử lý triệt để, khoanh vùng triệt để, không để dịch lan rộng ra cộng đồng; triển khai tiêm vắc xin phòng dịch cho gia súc, gia cầm theo quy định.

- Quản lý chặt chẽ quy trình chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các quy trình về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh.

3. Phòng Văn hóa - Thông tin; Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền Thông huyện

Tăng cường các hoạt động truyền thông về tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng từ huyện đến các xã, thị trấn. Đặc biệt là tuyên truyền đến người dân không sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo ăn chín, uống chín.

4. Trung tâm Y tế huyện

- Phối hợp với phòng Y tế, phòng Nông nghiệp và PTNT trong quản lý, giám sát và dự phòng việc lây truyền bệnh cúm từ gia cầm sang người. Phát hiện sớm các ca bệnh viêm đường hô hấp có liên quan đến gia cầm để xử lý, khoanh vùng triệt để, không để dịch lan rộng ra cộng đồng.

- Tuân thủ việc phối hợp phòng chống bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT, ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; khai báo, báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT, ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

  - Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo đúng quy trình, kỹ thuật khi phát hiện ca bệnh.

5. Các cơ sở khám bệnh và chữa bệnh trên địa bàn huyện 

- Phổ biến, tập huấn cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế về các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh cúm A/H5 cho nhân viên y tế tại đơn vị (Quyết định số 30/2008/QĐ-BYT, ngày 19/8/2008 về việc Ban hành hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm cúm A/H5N1 ở người; Quyết định số 2762/QĐ-BYT, ngày 31/7/2009; Quyết định số 5464/QĐ-BYT, ngày 31/12/2014 về việc Ban hành hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm cúm A/H5N6 ở người). Trong đó, tập trung vào công tác sàng lọc, chẩn đoán, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ: viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân, hội chứng cúm, ILIs (hội chứng giống cúm)...cùng tiền sử dịch tễ liên quan để cách ly tạm thời, chăm sóc và điều trị phù hợp, chuyển tuyến khi có chỉ định.

- Duy trì các biện pháp kiểm soát, dự phòng lây nhiễm COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp tại đơn vị quy định tại Quyết định số 3671/QĐ-BYT, ngày 27/9/2012 về việc phê duyệt các hướng dẫn về kiểm soát nhiễm khuẩn và các quy định khác liên quan. Yêu cầu 100% người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm đeo khẩu trang khi đến khám chữa bệnh, thăm nuôi hoặc làm việc tại các cơ sở y tế.

- Tuân thủ việc khai báo, báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT, ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

6. UBND các xã, thị trấn:

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh tới toàn thể nhân dân trên địa bàn về đặc điểm của bệnh dịch cúm gia cầm, cách nhận biết, khai báo bệnh; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. Đặc biệt tuyệt đối không giết mổ, chế biến, sử dụng gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ làm thực phẩm hoặc thức ăn gia súc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; đảm bảo ăn chín, uống chín.

- Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm theo hướng dẫn chỉ đạo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Vận động người chăn nuôi khi xuất hiện có gia cầm ốm, chết trong đàn cần báo ngay cho Ban chăn nuôi thú y xã hoặc chính quyền địa phương để có hướng dẫn xử lý kịp thời.

- Chỉ đạo cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện ca bệnh cúm A/H5 sớm để triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định (nếu có).

Chi tiết văn bản signed-signed-27.10 tang cuong giam sat du phong lay nhiem cum a.h5 tai co so y te va cong dong.pdf

Ban Biên tập