Giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở Phù Ninh
  • Cập nhật: 19/04/2022
  • Lượt xem: 5053 lượt xem

(Phù Ninh ) - Xác định an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe Nhân dân, đảm bảo chất lượng cuộc sống, trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn huyện Phù Ninh luôn được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, tuân thủ theo quy định của pháp luật.


Cô và trò trường mầm non Thanh Lâm trong giờ học làm bánh

Thời gian qua, công tác kiểm soát ATTP trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến. Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường, nhu cầu tích trữ và sử dụng thực phẩm tăng cao là điều kiện cho thực phẩm lậu, thực phẩm giả, thực phẩm bẩn, không an toàn tiêu thụ trên thị trường.

Để giải quyết những khó khăn đó, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATTP với các hình thức đa dạng, phong phú; Vận động người dân thực hiện tốt Cuộc vận động “Nói không với sản xuất, mua bán và tiêu dùng sản phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn”; triển khai tuyên truyền trọng điểm trong Tháng hành động ATTP. Huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm; quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất nông sản an toàn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế. Chủ động huy động các nguồn lực triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án về công tác ATTP, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động kiểm tra, kiểm nghiệm ATTP, bao gồm ngân sách từ chương trình mục tiêu y tế - dân số và nguồn ngân sách của địa phương với trên 200 triệu đồng. 80% cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. 100% đối với bếp ăn tập thể. 100% siêu thị và 80% chợ được quy hoạch và kiểm soát ATTP.

Hàng năm, đội kiểm tra liên ngành của huyện tổ chức kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm, các nhà hàng trên địa bàn. Từ năm 2011 đến nay đã tiến hành kiểm tra 704 cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm đối với 83 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 277.500.000 đồng. Nhờ siết chặt quản lý, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn (trên 30 người), không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm cơ bản được kiểm soát. 

Chủ các cơ sở kinh doanh đã tích cực, chủ động tìm hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành, thực hành các quy định của pháp luật về ATTP như: Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP; giấy xác nhận kiến thức; khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp chế biến thực phẩm; đầu tư xây dựng cơ sở, trang thiết bị sản xuất đúng quy định; các hồ sơ, sổ sách theo dõi, chứng từ, hóa đơn liên quan đến thực phẩm... Các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có ăn bán trú đã chủ động tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, một số trường đã áp dụng mô hình trồng trọt, chăn nuôi để hỗ trợ thực phẩm phục vụ học sinh tương đối hiệu quả.


Trồng rau, nuôi gà cung cấp thực phẩm sạch tại trường mầm non Thanh Lâm – thị trấn Phong Châu.

Khuyến khích các cơ sở chủ động ứng dụng KHKT, đưa công nghệ mới vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và bảo quản thực phẩm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo cung ứng nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường. Một số cơ sở sản xuất đã tạo dựng và phát triển được thương hiệu như: Cá Thính Tử Đà, Công ty TNHH chè Đức Tỵ…

Tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, các nhân tham gia vào công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ liên quan đến ATTP cho các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm. Hiện nay, trên địa bàn có trên 10 cơ sở chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín từ các nhà cung cấp như: Công ty chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam…Hàng năm cung cấp khoảng 705.000 con giống (gà, lợn), sản phẩm thức ăn trong chăn nuôi khoảng 30 tỷ đồng. Sản lượng thực phẩm xuất bán đạt 2.100 tấn/năm, tổng giá trị trên 100 tỷ đồng.

Trong thời gian tới huyện xác định tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác đảm bảo ATTP. Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tăng cường trách nhiệm và hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP; tổ chức tốt các hoạt động phối hợp liên ngành trong quản lý, kiểm tra, giám sát về ATTP. Tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về ATTP đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân , tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn để đầu tư triển khai các chương trình, dự án phát triển nguồn lương thực, thực phẩm an toàn.


 

Kim Cúc - Ban Dân vận Huyện ủy