(Phù Ninh)-“Là một trong số ít những người may mắn được đặt chân đến Trường Sa, trực tiếp cảm nhận cái nắng, cái gió, khó khăn cũng như sự kiên cường của các chiến sỹ để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân... trong tôi vẫn đang trào dâng những cảm xúc vô cùng đặc biệt” đó là tâm sự xúc động của đồng chí Nguyễn Hữu Nhật- PBT, Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh sau chuyến đi công tác tại quần đảo Trường Sa và Nhà Giàn DKI dịp tháng 5/ 2023. Cổng TTĐT huyện Phù Ninh xin trân trọng giới thiệu tới độc giả toàn văn bài viết

Đoàn đại biểu tỉnh Phú Thọ trước khi lên tàu thăm quần đảo Trường Sa
Từ ngày 9/5 đến ngày 15/5/2023, tôi vinh dự được tham gia Đoàn công tác số 11 của Quân chủng Hải quân đi thăm, tặng quà quân dân quần đảo Trường Sa và Nhà Giàn DKI. Một hành trình dài hàng nghìn hải lý, một trải nghiệm đầy ý nghĩa để có sự hiểu biết về biển đảo bằng trực giác, bằng cảm nhận từ thực tế với thật nhiều cảm xúc dạt dào. Có lẽ trong cuộc đời mỗi người chúng ta sẽ hiếm ai có dịp được đi và trải nghiệm Trường Sa.

Đúng 6h00’ sáng ngày 9/5/2023, Tàu KN 491 rời cảng Cam Ranh chở 223 đại biểu cùng với các chiến sỹ Hải quân anh hùng rẽ sóng tiến về biển đảo xa xăm. Chúng tôi thật không thể diễn tả hết tâm trạng chờ đợi, mong mỏi để được đến với các hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió, vị trí tiền tiêu của Tổ quốc. Hành trình đến với Trường Sa như vẫn còn in dấu những con tàu và những chiến sỹ hải quân nhân dân anh hùng đi giải phóng quần đảo thân yêu, in dấu chân của những người con đất Việt trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Giờ đây, con tàu đưa chúng tôi đi trong tư thế của những người con chất chứa trong mình niềm tự hào dân tộc, tư thế của những người làm chủ một đất nước hòa bình và thống nhất, hiên ngang đặt chân lên dải đất thân yêu của Tổ quốc mình. Trong suốt hải trình hơn 1.000 hải lý từ đất liền ra thăm, động viên quân và dân tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI, giai điệu câu hát “Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...” cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi, kể cả trong giấc ngủ chập chờn chao lắc giữa đại dương mênh mông.

Trong hải trình lần này, trải nghiệm đặc biệt đầu tiên của tôi là tham gia Lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trên vùng biển Gạc Ma. Trong không gian tĩnh lặng và thành kính của phút mặc niệm, 3 hồi còi tàu rền vang cả vùng biển Gạc Ma, sự kìm nén như đạt giới hạn, nhiều thành viên trong Đoàn công tác cũng như tôi đã không kìm được cảm xúc, nước mắt cứ thế tuôn trào…
Sau gần hai ngày vượt trùng khơi, sáng 11/5, tàu KN 491 đã đưa đoàn công tác tới khu vực Đảo Sinh Tồn A, điểm đến đầu tiên của hải trình. Giữa trùng khơi của biển, sự mệt mỏi nhanh chóng tan biến khi trưởng tàu thông báo các đại biểu xuống xuồng để vào thăm đảo. Đặt chân lên đảo, hình ảnh đầu tiên mà bất kỳ ai cũng nhìn thấy, đó là cột mốc chủ quyền và hình ảnh người chiến sỹ hải quân đang bồng súng đứng gác trang nghiêm, với khuôn mặt sạm đen, rắn rỏi. Nói là đảo nhưng toàn là biển nước. Doanh trại của các chiến sỹ chỉ là ngôi nhà được xây dựng trên nền đá san hô ngập nước, không sân, không vườn. Đoàn công tác chúng tôi đến giao lưu văn nghệ, thăm, động viên, tặng quà các chiến sỹ và nhân dân trên đảo, thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ.

Rời đảo Đảo Sinh Tồn A, trở về tàu để tiếp tục chuyến hải trình thăm hỏi, động viên, tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đang sống và làm nhiệm vụ tại đảo Đá Đông B, Trường Sa Đông, Đảo Đá Tây A, Đảo Trường Sa lớn và nhà giàn DK1/21. Tại Đảo Trường Sa lớn, nơi được xem là “thủ đô” của quần đảo Trường Sa, ngay khi tàu cập cảng, đoàn công tác đã được cán bộ, chiến sỹ cùng nhân dân chào đón trong niềm hân hoan, phấp phới lá cờ đỏ sao vàng. Chứng kiến cảnh quân và dân xếp hàng chào đón, các thành viên trong đoàn công tác, ai ai cũng vui mừng, như được trở về đất liền sau bao ngày xa vắng. Đoàn công tác tham dự Lễ chào cờ và hát quốc ca, hát quốc ca bao giờ cũng xúc động nhưng hát quốc ca trên đảo giữa biển trời bao la của Tổ quốc mình đã để lại trong lòng mỗi chúng tôi niềm tự hào và một cảm xúc không thể nào quên. Có lẽ lần đầu tiên tôi được hát Quốc ca bằng tất cả nội lực của mình, cảm nhận sự thiêng liêng trong từng ca từ của bản Tiến quân ca hùng tráng, cảm nhận màu đỏ tươi của lá Quốc kỳ tung bay giữa bầu trời xanh trong vắt chính là màu máu của bao thế hệ đã ngã xuống nơi miền đất đầu sóng ngọn gió linh thiêng này.

Giữa biển cả mênh mông, nơi chỉ có những con sóng bạc đầu, nơi ngày đêm người lính đảo luôn hướng về đất liền, tiếng cười, giọng nói, cái bắt tay, đôi câu trò chuyện giản dị đời thường nhưng giữa đảo sóng xa xôi ấy lại là niềm mong mỏi, khát khao, chờ đợi…Có lẽ giữa bốn bề dài rộng vô tận của biển cả mỗi chúng ta mới thấy hết cái qúy giá của giọng nói, nụ cười, của những lời động viên chia sẻ. Trong bao la sóng dội ấy có tiếng cười đồng đội, có tình quân dân nồng ấm thân thương, có sự chia sẻ và có cả niềm tin vào sự vững bền của chân lý chủ quyền, của những giá trị thiêng liêng cao cả. Sự cao cả ở đây không chỉ là những khẩu hiệu, những chỉ thị mà là những việc làm rất cụ thể, là sức chịu đựng của những chàng trai lính đảo trước cái nắng nóng của biển đảo, sự chát mặn của biển sâu, những khó khăn, thiếu thốn trăm bề của đời sống vật chất và tinh thần giữa đảo xa vây quanh bốn bề sóng nước. Nhưng nhờ tình yêu và lòng quyết tâm của những người lính, mà nơi đâu trên đảo cũng thấy rõ sự sống bất diệt. Trên đảo, các chiến sỹ vẫn tăng gia sản xuất, rau vẫn xanh và hoa vẫn nở trên đá giữa muôn trùng sóng nước. Giọng nói, tiếng cười, những lời hát yêu đời vẫn ngân vang giữa ồn ào sóng biển.
Kết thúc chương trình văn nghệ, Đoàn công tác chia tay cán bộ chiến sỹ, cùng người dân trên đảo trong tiếng nghẹn ngào của nước mắt. Con tàu KN 491 không biết bao lần gióng lên tiếng còi xuất phát nhưng đành phải nén lại bởi lời thề của các chiến sỹ hải quân cứ văng vẳng bên tai: “Trường Sa vì Tổ quốc.” “Trường Sa vì Tổ quốc.” Và những tiếng hô vang của các đại biểu trên tàu “Tất cả vì Trường Sa thân yêu” cùng tiếng hát đứt quãng, những cánh tay vẫy chào, lưu luyến của người đi, người ở lại.

Rời các đảo, đoàn đến thăm Nhà giàn DKI, đây là điểm cuối để về đất liền. Nhà giàn nằm ở bãi Ba Kè, nếu ai chưa một lần đến thì thật khó tin về sức chịu đựng của con người bám trụ ở nơi đây. Họ là những người có ý chí mãnh liệt để giữ gìn dải đất của Tổ quốc mình, biển đảo của dân tộc mình. Khi đến Trường Sa mới thật sự nhận ra một tinh thần vững chắc, một nghị lực quả cảm của người Việt Nam, thật vĩ đại về một dân tộc anh hùng. Thật vậy, để giữ được nhà giàn, những chiến sỹ ở đây đã thể hiện một tinh thần bản lĩnh kiên trung. Trong đó có nhiều tấm gương đã anh dũng hy sinh để giữ bằng được nhà giàn trên thềm lục địa và giữ được vùng biển đảo thiêng liêng mà ngàn đời tổ tiên để lại. Trước lúc trở về đất liền, tàu KN 491 đã hú ba hồi còi tạm biệt, rồi đi quanh khu vực nhà giàn chào tạm biệt. Hầu hết các đại biểu trên tàu, ai cũng xúc động, nhiều người đã không kìm nổi nước mắt. Xa xa, vẫn trông thấy các chiến sỹ vẫy chào, trên tay họ, lá cờ đỏ Tổ quốc tung bay như muốn gửi gắm tình cảm thân thương cho người từ đất liền ra Nhà giàn DKI.

Trên đường trở lại đất liền, đoàn công tác của chúng tôi cứ hát vang mãi khúc quân ca "Ơi… Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sỹ Trường Sa viết tiếp bài ca bằng những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ, đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta…” Một chuyến đi công tác tuy nắng gió, khắc nghiệt nhưng đầy ý nghĩa. Giờ đây, trong những giấc mơ, tôi vẫn thấy sóng, gió, biển, đảo, hình ảnh những chiến sỹ hải quân và ngư dân nơi đảo xa đang rất gần với mình . Những hình ảnh sẽ còn đọng mãi trong tôi và theo tôi đi suốt cuộc đời.

Trở về địa phương, Tôi sẽ kể cho đồng chí, đồng nghiệp, cho những ai chưa có cơ hội đến Trường Sa về một Trường Sa hùng vĩ, kiên cường, niềm tin và niềm kiêu hãnh của dân tộc, để cùng lắng đọng trong cảm xúc Trường Sa và thêm yêu hơn đất nước của mình; về người lính đảo Trường Sa rắn giỏi, sạm nắng, kiên trung, yêu đời đang ngày đêm thầm lặng giữ gìn biển đảo quê hương, kể về 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trước họng súng thô bạo của quân thù hòng dã tâm chiếm đảo, về 7 chiến sỹ đã hy sinh khi cơn bão lớn làm đổ nhà giàn…Tất cả những anh hùng liệt sỹ ấy, có người chưa một lần được yêu và có người là cha nhưng chưa một lần nhìn thấy hình hài người con yêu dấu, có đồng chí Chính trị viên Nhà giàn DK sau 3 ngày đêm chống chọi với bão biển hung dữ đã nhường phần lương khô cuối cùng của mình cho đồng đội và trôi mình vào vòng xoáy hung bạo của biển cả khi trên mình vẫn cuốn lá cờ Tổ quốc, hầu hết thi thể của các anh vẫn nằm dưới đáy đại dương sâu thẳm bao la…Qua chuyến công tác này, tôi nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng và vị trí chiến lược của biển đảo, thềm lục địa lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; càng thấy yêu quê hương đất nước, tự hào trong mình mang dòng máu Lạc Hồng và nguyện sẽ: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta sẽ làm gì cho Tổ quốc hôm nay” góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Một số hình ảnh:







Nguyễn Hữu Nhật- PBT, Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh