ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA HUYỆN PHÙ NINH THAM QUAN, HỌC TẬP TẠI TỈNH LÂM ĐỒNG
  • Cập nhật: 11/10/2022
  • Lượt xem: 3859 lượt xem

(Phù Ninh)- Từ ngày 07-09/10/2022, đoàn công tác của huyện Phù Ninh do đồng chí Nguyễn Hữu Nhật- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm Trưởng đoàn đã đi thăm quan, học tập các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Thị Tố Uyên- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện, đồng chí Nguyễn Quang Vinh- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, đồng chí Đào Ngọc Thắng- Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, lãnh đạo một số phòng, ban chuyên môn của huyện.

Lâm Đồng là địa phương có nhiều lợi thế về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Hàng năm, toàn tỉnh Lâm Đồng sản xuất khoảng 2,7 triệu tấn rau, hơn 3 tỷ cành hoa, trên 500 nghìn tấn cà phê, 175 nghìn tấn chè búp tươi, hơn 180 nghìn tấn trái cây và nhiều loại nông sản khác.Trên lĩnh vực chế biến, đến nay, tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến của tỉnh đạt 75%. Trong đó, sơ chế, chế biến rau gồm 118 doanh nghiệp, sản lượng chế biến 44.000 tấn/năm; chế biến chè 167 doanh nghiệp, sản lượng chế biến 38.000 tấn/năm; chế biến cà phê nhân 275 doanh nghiệp/cơ sở, sản lượng chế biến 300.000 tấn/năm. Chế biến cà phê rang xay, cà phê bột 168 doanh nghiệp, sản lượng chế biến10.000 tấn/năm; chế biến trái cây 88 doanh nghiệp, sản lượng chế biến 11.000 tấn/năm,…


Đoàn công tác thăm HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Gia Phát

Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho cây hồng phát triển nên Đà Lạt có nhiều giống hồng được canh tác để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Hiện nay, giống hồng được trồng nhiều ở Đà Lạt là hồng trứng lốc (chiếm 80% diện tích), các giống còn lại là hồng pomme, hồng Tám Hải… (khoảng 15% diện tích). Hồng Đà Lạt thu hoạch mỗi năm một mùa, trái thường chín tập trung, tiêu thụ trên thị trường 85% dưới hình thức ăn quả tươi (hồng giòn hoặc hồng chín).

Từ năm 2010 cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA nghiên cứu và chọn Đà Lạt để phát triển cây hồng. Mục tiêu của dự án này là phổ biến kỹ thuật chăm sóc và chế biến hồng khô theo công nghệ Nhật Bản. Từ đó đến nay, trái hồng Đà Lạt đang khẳng định lại chỗ đứng của mình, các nhà nông quan tâm hơn đến việc cắt tỉa, lai tạo giống mới chất lượng cao và ít chịu ảnh hưởng thời tiết hơn. Đến nay, cây hồng đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động trực tiếp và gián tiếp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến trái hồng. Giá trị sản xuất ước đạt trên 25 tỷ đồng mỗi năm, đóng góp lớn cho sự phát triển nông nghiệp thành phố.

Đoàn công tác của huyện Phù Ninh đã thăm một số HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp như: Trường Gia Phát, Đất Làng – Cầu Đất,… đây là các HTX áp dụng công nghệ trong chế biến quả hồng.


Sơ chế, chế biến quả hồng tại HTX Đất Làng - Cầu Đất

Kết thúc chuyến tham quan, học tập tại tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Hữu Nhật giao các cơ quan chuyên môn của huyện tiếp tục tăng cường công tác cải tạo giống và thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, lựa chọn các giống năng suất, chất lượng phù hợp, mở rộng diện tích trồng hồng không hạt Gia Thanh, hoàn thiện quy trình thâm canh, tái canh phù hợp với từng điều kiện cụ thể, xây dựng mô hình và chuyển giao cho người sản xuất; đẩy mạnh công tác khuyến nông, tăng cường đổi mới công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc theo quy trình tiên tiến, cơ giới hóa các khâu sản xuất như kiểm soát dịch bệnh và cỏ dại, bảo quản sau thu hoạch, công nghệ đóng gói sản phẩm. Tiếp đó, phát triển hình thức hợp tác sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng, kinh doanh hồng không hạt Gia Thanh trên các xã, thị trấn có thế mạnh về hồng nhằm đáp ứng dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp chủ động thu mua, tham gia điều tiết cung cầu trên thị trường, đảm bảo lợi ích cho người sản xuất và kinh doanh sản phẩm hồng ăn trái. Đồng thời, phát triển công nghiệp chế biến: mứt hồng, hồng sấy, hồng giòn… mang lại giá trị kinh tế cao và tăng thu nhập cho bà con nông dân.


Khu sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

Đoàn công tác - Ban biên tập